Thời kỳ 2011 - 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020. Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 ở vị trí thứ 22. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tính chung trong 8 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 68,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 252,60 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 38,85 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 5,49 tỷ USD.
Dù quy mô, tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng cơ cấu, chất lượng hoạt động xuất khẩu vẫn tồn tại nhiều vấn đề.
Về chất lượng, xuất khẩu vẫn đang đứng trước bài toán về nâng cao giá trị gia tăng, tăng hàm lượng chế biến sâu trong hàng hóa xuất khẩu. So với các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn nhiều. Hiện, 86% tỷ trọng xuất khẩu từ công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp là chính, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thì xuất thô còn nhiều, chế biến sâu vẫn hạn chế.
Về cơ cấu, tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào khối DN FDI khi khối này chiếm 3/4 xuất khẩu, còn lại là DN nội. Lĩnh vực dệt may, da giày, trên 60% đóng góp bởi khối FDI; lĩnh vực điện tử, máy tính, khối FDI còn chiếm gần 100%...
Một hạn chế nữa là Việt Nam vẫn chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Từ những kết quả và hạn chế trên, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh tới xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Để xuất khẩu tăng cả về lượng và chất, Việt Nam cần hoàn thiện các chiến lược ngành hàng xuất khẩu chủ lực và lựa chọn ra lĩnh vực là ưu tiên hàng đầu.
Đặc biệt, cần thực hiện cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong các ngành dẫn đầu, tạo ra nhiều việc làm trong những ngành tiềm năng. Những lĩnh vực này sẽ đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị và phát triển xuất khẩu đồng thời có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cũng cần tập trung hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đồng thời, cần tiếp tục tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính cho DN như thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)… để xuất khẩu hoàn thành mục tiêu đề ra trong bối cảnh hoạt động này đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến lạm phát gia tăng, thắt chặt tài chính… tại nhiều nền kinh tế những tháng cuối năm.