Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tinh giản cán bộ, công chức cấp xã: Xem xét kỹ lưỡng theo nhu cầu thực tế

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có khá nhiều quan điểm xung quanh dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức (CBCC) và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn” mà Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến.

Song đa số cho rằng, việc tinh giản CBCC cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là với cấp xã.

Nhiều việc cần cán bộ giải quyết

Theo dự thảo, CBCC cấp xã được đề xuất tinh giản theo 2 phương án. Phương án 1, giữ nguyên số CBCC ở xã loại 1, giảm 1 người ở xã loại 2 và loại 3 (như quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP (NĐ 92)). Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 234.217 CBCC cấp xã, theo phương án này, cấp xã sẽ giảm khoảng 7.698 CBCC. Với phương án 2, số CBCC xã loại 1, loại 2 được giữ nguyên, chỉ giảm 1 người ở xã loại 3, nên tổng số giảm 2.003 CBCC. Với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (hiện cả nước có 200.923 người, bình quân 18 người/xã), Bộ cũng ra 2 phương án: Giảm từ 17 - 22 người/xã còn 14 - 17 người/xã, nên tổng số giảm 28.687 người; hoặc giảm khoảng 66.979 người, còn lại 133.944 người.

Cán bộ xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) giải quyết TTHC cho công dân. 

Bên cạnh đó, hiện cả nước có 837.657 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, bình quân 6,2 người/thôn, tổ. Bộ đề xuất, nếu địa phương bố trí 3 chức danh hoạt động không chuyên trách ở đây, thì chỉ còn tổng cộng 405.057 người, tinh giản tới 432.600 người.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số xã có số nhân khẩu và diện tích lớn, xã có khu công nghiệp..., số CBCC hiện nay cũng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi Bùi Thế Gia nhận định: Không chỉ tại địa bàn dân cư mà mọi phòng, ban cấp huyện, mỗi khi có việc liên quan đến người dân, hầu như đều chuyển xuống xã xem xét… Trong khi về tiêu chí, xã loại I quy mô tối thiểu 1,3 vạn dân, loại II dưới 1,3 vạn…, thì tại Hoài Đức, có những xã loại I như An Khánh tới 2,9 vạn dân, có xã loại II trên 1,2 vạn dân (xấp xỉ xã loại I). Mà tốc độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh, công việc ngày càng nhiều, số cán bộ giữ nguyên. “Trong tình trạng hầu hết xã thiếu cán bộ giải quyết công việc, các phương án tinh giản Bộ Nội vụ đưa ra là không khả thi” - ông Gia thẳng thắn.

Từng là ĐB Quốc hội, nhiều năm gắn bó với Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp KHKT Hà Nội Bùi Thị An quả quyết: Phương án giảm CBCC cấp xã cần được Bộ nghiên cứu kỹ, trên cơ sở lấy ý kiến nhiều chiều, để tính toán bao nhiêu là vừa. Tinh giản cần thiết, nhưng chỉ giảm chỗ thừa, người làm việc không hiệu quả. Vì theo lý giải của bà An, cấp xã vô cùng quan trọng vì tổ chức thực hiện những việc cụ thể sát với người dân, từ những việc nhỏ nhất như cháy nhà, mất trộm, đến những việc lớn hơn... Vì thế, cần xem xét 2 phương án riêng cho phường và xã, bởi xã có địa hình rộng, phức tạp hơn, nên không thể giảm nhiều CBCC như ở phường. Các chức danh không chuyên như trưởng thôn, bí thư chi bộ… cũng không nên giảm.

Chú trọng hiệu quả

Với những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu kỹ để áp dụng phù hợp. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết: Sở đã có văn bản gửi UBND TP góp ý vào Dự thảo, trong đó, đề nghị giữ nguyên số CBCC cấp xã như Điều 4 NĐ92: Xã loại 1 không quá 25 người, loại 2 không quá 23 người, loại 3 không quá 21 người. Dẫn chứng cụ thể là cấp xã loại 3 bố trí 11 cán bộ, còn lại 10 công chức bố trí cho 7 chức danh là vừa đủ (Trưởng Công an 1 người, Chỉ huy trưởng quân sự 1, Văn phòng - Thống kê 2, Địa chính -Xây dựng 2, Tư pháp - Hộ tịch 1, Tài chính - Kế toán 1, Văn hóa -Xã hội 2). Dù là xã loại 3, các đầu việc vẫn như xã, phường khác, nhiều giao dịch hành chính, nếu còn 20 người thì chức danh Văn phòng-Thống kê chỉ có 1, không đủ để trực ở “Một cửa”.

Sở đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ quy định cơ cấu định mức sắp xếp công chức cấp xã. Chẳng hạn, việc tuyển dụng tùy vào yêu cầu nhiệm vụ, số công chức cấp xã được giao, theo định hướng cơ cấu, như: Với chức danh Văn phòng - Thống kê, cần tuyển ít nhất mỗi xã, phường 2 người, đảm bảo mỗi đơn vị có một công chức thường trực tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo “một cửa”, “một cửa liên thông” và một công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác. Với chức danh Tài chính - Kế toán, cần tuyển đủ cho mỗi xã, phường một công chức, nhưng xã, phường loại một có thể tuyển thêm một công chức… Sở cũng đề xuất xã, phường đã bố trí công chức theo định hướng cơ cấu công chức này mà vẫn còn chỉ tiêu, có thể tuyển thêm vào các chức danh cấp xã theo mức độ nhiệm vụ được giao.