Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sáng trong các khâu đột phá

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, cải cách hành chính (CCHC) thật sự là một điểm sáng trong ba khâu đột phá của TP Hà Nội, được T.Ư, người dân và cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Mục tiêu nhanh và gọn
Để cụ thể hóa các mục tiêu về CCHC, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI đã xây dựng Chương trình số 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”. Bám sát các nội dung của chương trình, TP đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đối với từng nội dung và giao trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, mỗi địa phương, đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai, nhằm mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ.
Hơn ba năm qua, tổng số thủ tục hành chính thuộc giải quyết của các đơn vị trực thuộc TP là 1.818. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,81%. TP cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, toàn TP có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (trong đó có 1.209 dịch vụ công mức độ 3 và 239 dịch vụ công mức độ 4). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ. Riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung đạt tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 74%. TP đã tích hợp ứng dụng biên lại điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống.
Tăng chỉ số hài lòng
Nhiều đề án, sáng kiến trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mang lại hiệu quả cao, cắt giảm số lần đi lại, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của người dân, DN. Đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước có các bước cải thiện qua từng năm. Chỉ số hài lòng (SIPAS) của TP năm 2018 đạt 83%, tăng 16 bậc so với năm 2017.
Bên cạnh đó, nhờ siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ, số lượng cán bộ, công chức vi phạm đã giảm dần. Cụ thể, năm 2017, phát hiện và đề xuất kỷ luật 34 trường hợp vi phạm; năm 2018 phát hiện 5 trường hợp, đề xuất kỷ luật 2 trường hợp, rút kinh nghiệm với 3 trường hợp; năm 2019 phát hiện 10 trường hợp vi phạm, đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý cụ thể.
Có thế thấy rằng, trong những năm qua, CCHC thật sự là một điểm sáng trong ba khâu đột phá của TP Hà Nội. Hiện, Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hạn chế TP đang nỗ lực khắc phục như còn tình trạng công khai thủ tục hành chính đã hết hiệu lực, còn hiện tượng phát sinh thêm các giấy tờ ngoài quy định, thủ tục hành chính chưa đúng gây bức xúc cho người dân và DN…
Để tiếp tục thúc đẩy nhanh các mục tiêu đề ra, lãnh đạo TP cũng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, các cơ quan đơn vị cần xác định công tác CCHC phải được làm thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. Các cấp ủy Đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ có hiệu quả công tác CCHC; đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp.