“Đồng minh nứt gãy” ở Ukraine

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực chiến tranh kéo dài dường như đang tạo ra những rạn nứt không ngờ: Mỹ thất vọng với Ukraine, châu Âu nổi giận với Mỹ, và người châu Âu to tiếng với nhau.

Tổng thống Ukraine xuất hiện trong một liên kết video tại hội nghị thượng đỉnh G7, tháng 6/2022. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine xuất hiện trong một liên kết video tại hội nghị thượng đỉnh G7, tháng 6/2022. Ảnh: AP

Mỹ, châu Âu mất kiên nhẫn

Rạn nứt đầu tiên trong mối quan hệ của Mỹ với Ukraine hình thành xung quanh sự thất vọng và lo ngại về những yêu cầu vũ khí không ngừng từ Kiev. Xung đột kéo dài dẫn đến nhu cầu về vũ khí, thậm chí là vũ khí tiên tiến hơn, tăng lên. Các quốc gia phương Tây cam kết vũ trang cho Ukraine đang phải vật lộn để theo kịp diễn biến chiến sự, khi mà kho vũ khí của chính họ đang trở nên cạn kiệt. Tờ New York Times báo cáo rằng, "có một cuộc chạy đua điên cuồng để cung cấp đủ cho Ukraine những gì nước này cần, đồng thời bổ sung cho kho dự trữ của NATO".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 28/11 phàn nàn rằng: “Chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với một thực tế: Có những quốc gia trên thế giới có những thứ Ukraine cần nhưng lại không bán đủ số lượng vì lý do chính trị”. Ông chỉ trích các quốc gia phương Tây là “những người có hàng tồn kho nhưng không sẵn sàng chia sẻ nó”.

Sự mất kiên nhẫn của Washington đối với những yêu cầu không hồi kết từ Kiev lần đầu tiên được thể hiện công khai là vào tháng 6 năm nay, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden "nhắc nhở" người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bớt phàn nàn sau khi Mỹ phê duyệt 1 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Kiev. "Hãy lên tiếng" - ông Biden nói với ông Zelensky - "Bày tỏ lòng biết ơn nhiều hơn một chút".

Hai tháng sau, nhà báo Thomas Friedman viết trên tờ New York Times rằng, các quan chức Mỹ đang "quan tâm nhiều đến giới lãnh đạo của Ukraine hơn là những gì họ đang thể hiện", tiết lộ rằng "có sự ngờ vực sâu sắc giữa Nhà Trắng và Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine - nhiều hơn đáng kể so với những gì đã được báo cáo".

Rạn nứt như lớn hơn vào tháng 11 vừa qua, khi Ukraine kiên quyết bác bỏ kết quả phân tích của Mỹ cho thấy, tên lửa rơi xuống Ba Lan giết chết 2 người không phải do phía Nga bắn, mà do hệ thống phòng không Ukraine đánh chặn tên lửa Nga, dù các nước phương Tây đã cố gắng tránh quy trách nhiệm cho Kiev. Ông Zelensky đã cố khiêu khích khi gọi sự cố tên lửa này là "cuộc tấn công của Nga vào an ninh tập thể ở châu Âu - Đại Tây Dương", như ám chỉ đến Điều 5 trong hiến pháp phòng thủ tập thể của NATO.

Mặc dù nhà lãnh đạo Ukraine đã cố gắng sắp xếp các cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, nhưng ông chủ Nhà Trắng được cho đã từ chối các cuộc gọi đó. "Điều này thật lố bịch" - một nhà ngoại giao của NATO ở Kiev bình luận với Financial Times - "Người Ukraine đang phá hủy niềm tin của chúng tôi vào họ. Không ai đổ lỗi cho Ukraine và họ đang nói dối một cách công khai. Điều này còn nguy hiểm hơn cả một quả tên lửa".

Cuối cùng, khi Mỹ đồng ý nói chuyện với Ukraine, không phải Tổng thống Biden mà là Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Washington đã thúc giục "các quan chức cần cẩn thận hơn trong cách nói về vụ việc".

Nhưng chính Mỹ cũng đang bị phàn nàn về vấn đề Ukraine bởi các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Các quan chức cấp cao của châu Âu đã công khai cáo buộc chính quyền Biden trục lợi một cách ích kỷ từ cuộc chiến, với cái giá phải trả là người dân châu Âu phải sống trong cảnh thiếu năng lượng sưởi ấm giữa mùa Đông giá lạnh. "Thực tế là, nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo, quốc gia thu lợi nhiều nhất từ ​​cuộc chiến này là Mỹ vì họ đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn" - một quan chức cấp cao châu Âu nói với tờ Politico.

Các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đã tước đi nguồn năng lượng Nga mà châu Âu phụ thuộc lớn. Điều đó đã khiến châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu Mỹ cung cấp khí đốt. Nhưng Mỹ đang tính phí khách hàng châu Âu gấp 4 lần so với người Mỹ - một thực tế mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích là "không thân thiện". Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng kêu gọi Mỹ thể hiện "tình đoàn kết" bằng cách giảm chi phí khí đốt.

Và vết nứt Mỹ - châu Âu đã bị Nga chú ý. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 28/11 nói rằng "cuộc hôn nhân" giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ kết thúc bằng "một cuộc ly hôn tồi tệ" vì "trò gian lận kinh tế rõ ràng của Mỹ".

Giữa bối cảnh châu Âu thiếu khí đốt, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga thông báo rằng họ sẽ đóng tất cả các đường ống dẫn khí Nord Stream, đồng thời giải nén các trạm nén khí trong thời gian ngắn. Gazprom cũng đã công bố một khoản đầu tư lớn tập trung vào việc định hướng lại con đường phân phối khí đốt của mình ra khỏi châu Âu, và thay vào đó là hướng về phía Đông. Đây được cho có thể không chỉ là các quyết định kinh doanh đơn thuần, mà còn là các quyết định về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những nội bộ chia rẽ

Mâu thuẫn cũng đang xuất hiện ngay bên trong châu Âu, với đường đứt gãy hình thành chủ yếu dọc theo biên giới Ba Lan. Sau khi tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan, Đức đã đề nghị gửi cho Ba Lan các máy bay Eurofighter và các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot để phòng vệ. Ban đầu, Ba Lan cho biết họ sẽ chấp nhận lời đề nghị, nhưng sau đó đột ngột tuyên bố: “Sẽ là tốt nhất cho an ninh của Ba Lan nếu Đức trao thiết bị cho người Ukraine".

Đức từ chối đề xuất này vì tên lửa phòng không Patriot - một phần trong hệ thống phòng không tích hợp của NATO - cần có sự đồng ý của cả liên minh để được sử dụng bên ngoài khu vực NATO, và do đó cũng sẽ cần phải cử binh lính Đức đến Ukraine để vận hành hệ thống. Động thái của Ba Lan được cho có thể kéo NATO vào cuộc chiến trực tiếp với Nga, và kết quả cũng đã chứng tỏ rằng Đức và NATO không sẵn sàng vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moscow trong quá trình viện trợ cho Kiev.

Chưa hết, Ba Lan một lần nữa "xích mích" với EU vào ngày 27/11, khi nước này cản trở nỗ lực của liên minh này trong việc đặt giá trần đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga. Với mong muốn trừng phạt lợi nhuận của Moscow nhưng vẫn duy trì nguồn cung dầu toàn cầu, G7 đã đề xuất mức trần 65 - 70 USD/thùng. Nhưng Ba Lan, Litva và Estonia đã thúc đẩy mức giá thấp hơn đáng kể là 30 USD/thùng.

Và những rạn nứt nhỏ hơn có thể cũng đã bắt đầu hình thành ở Ukraine. Theo báo cáo của Kiev Post, trong một cuộc xung đột công khai với Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko, Tổng thống Zelensky đã chỉ trích ông Klitschko không hành động đủ để giúp người dân Kiev vượt qua tình trạng thiếu điện do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. "Tôi biết, thật không may, không phải ở tất cả các TP, chính quyền địa phương đã làm tốt công việc. Đặc biệt, có rất nhiều khiếu nại ở Kiev" - ông Zelensky nói trong bài phát biểu hàng đêm vào ngày 25/11, cảnh báo "không ai có thể tha thứ" cho việc ông Klitschko "thiếu nghiêm túc và nói dối trong các báo cáo".

Cũng theo Kiev Post, các cuộc kiểm tra được tiến hành vào một ngày sau đó cho thấy ông Klitschko đã không nói dối khi báo cáo rằng có 430 nơi trú ẩn khẩn cấp ở thủ đô Kiev, và chỉ có 20% trong số 530 nơi trú ẩn khẩn cấp bị đóng cửa trong đợt dội tên lửa mới nhất của Nga xuống TP này.

"Nói một cách nhẹ nhàng, hành động đó không đẹp chút nào. Không dành cho người Ukraine hay các đối tác nước ngoài của chúng ta" - Thị trưởng Kiev phản bác lời chỉ trích của Tổng thống Ukraine - "Lúc này, hơn bao giờ hết, mọi người phải đoàn kết và cùng nhau hành động. Nhưng ở đây, chúng ta lại đang chứng kiến những mánh khóe chính trị".