Đừng gây tổn thương cho trẻ bằng xếp loại

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành giáo dục đang tìm nhiều biện pháp để chữa căn bệnh thành tích, vốn được đánh giá là căn bệnh trầm kha của ngành.

Chính vì vậy, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 tổ chức mới đây, Bộ GD&ĐT đã thông tin, năm học qua có 50.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại “chưa hoàn thành” (chiếm gần 50% số học sinh được đánh giá chưa hoàn thành ở cấp tiểu học).

Với con số này, Bộ GD&ĐT nhận định, cách đánh giá như hiện nay dần đi vào thực chất, không vì thành tích. Nhưng khắt khe xếp loại với học sinh lớp 1 liệu đã hợp tình, hợp lý?

Hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại “chưa hoàn thành” có thể "đúp", ở lại lớp nếu không vượt qua được kỳ thi bổ túc trong dịp Hè. Điều này sẽ gây ra tổn thương, lo lắng cho những đứa trẻ vừa bước qua ngưỡng cửa măng non.

Trên thực tế, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đã là áp lực với phụ huynh và học sinh lớp 1. Vì lo ngại lớp 1 nặng về kiến thức, cách tổ chức dạy học gấp gáp khiến học sinh gặp khó khăn, áp lực ngay từ đầu năm học nên nhiều phụ huynh cho con đi học thêm, luyện chữ, làm toán tiền lớp 1.

Do đó, khi bắt đầu vào năm học mới sẽ có tình trạng “xôi đỗ”, em biết đọc viết thành thạo, em chưa. Đến nay, cộng thêm con số hơn 50.000 học sinh xếp loại “chưa hoàn thành” trong một năm học sẽ càng thúc đẩy việc dạy trước và học trước chương trình.

Với thế hệ 7X và 8X, việc ở lại lớp là chuyện không có gì lạ. Nhưng rồi một thời gian dài sau đó, vì bệnh thành tích mà việc ở lại lớp là điều rất… xa xỉ. Ngay ở cấp tiểu học hiện nay, bệnh thành tích đã quá trầm trọng. Trong nhiều lớp, có hiện tượng cả lớp đạt học sinh giỏi, xuất sắc hoặc chỉ có vài học sinh khá, 1 - 2 học sinh trung bình, còn lại đều giỏi. Điều đó là sai quy luật vì trong một số đông, bao giờ học sinh học giỏi và kém cũng là số ít, số học sinh ở mức giữa mới chiếm đa số.

Đối với bậc đại học, hiện nay để xét trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế có tiêu chí số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Một số trường muốn có danh đã thuê giáo viên bên ngoài viết bài đăng báo để đủ tiêu chí, còn chất lượng giảng dạy vẫn như cũ...

Những thành tích ảo đó làm cho người lãnh đạo chủ chốt mất định hướng chỉ đạo, không đánh giá đúng, từ đó không có chỉ đạo bồi dưỡng học sinh còn yếu của trường, không thấy những hạn chế trong công tác giảng dạy để tìm hướng khắc phục. Bệnh thành tích đó đang diễn ra ở các cấp học, chính vì vậy cần chữa bệnh cho toàn ngành chứ không chỉ đem con số thống kê xếp loại của học sinh tiểu học ra làm phương thuốc chữa bệnh.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - đó là câu sologan của rất nhiều trường mầm non và tiểu học hiện nay. Để trẻ em được vui thì nhà trường cũng như ngành giáo dục đừng từng ngày xếp loại thứ bậc mọi hoạt động từ kiến thức đến kỹ năng hoạt động. Sự vô tình từ những con số đã tạo áp lực cho trẻ con và giáo viên.

Chữa bệnh thành tích trong giáo dục thì không gì khác ngoài việc tăng cường giám sát chất lượng giáo dục. Thực tế, để giám sát, đánh giá chất lượng học sinh của một lớp, một trường không khó, chỉ cần qua một vài bài kiểm tra và chặt chẽ trong khâu coi thi, chấm điểm. Còn lãnh đạo cứ quan liêu và cán bộ cứ báo cáo không trung thực thì “bệnh thành tích” trong giáo dục vẫn còn tiếp diễn.