Hết năm 2022, Hà Nội có 2.374 hợp tác xã
Theo Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thế trong giai đoạn mới”, mà trọng tâm là hợp tác xã trên địa bàn TP Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực.
Tính đến hết năm 2022, TP Hà Nội có 2.374 hợp tác xã, với thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/năm; lãi bình quân đạt 150 triệu đồng/năm và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là 57 triệu đồng/người/năm. Nhiều hợp tác xã được củng cố, đổi mới về tổ chức, hoạt động và đã xuất hiện nhiều mô hình kiểu mới hiệu quả. Qua đó, đã hỗ trợ cho kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Khắc phục được tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán và góp phần tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, Chương trình hành động số 20-CTr/TU đặt mục tiêu tập trung củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý mới hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Ngoài ra, phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các loại hình kinh tế khác. Khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động quan trọng tới các chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và khuyến khích hợp tác xã lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp.
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
Từ những mục tiêu đó, Chương trình hành động số 20-CTr/TU đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã trên địa bàn TP; thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên; 100% số hợp tác xã, quỹ tín dụng Nhân dân, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Trong đó, củng cố từ 1.200 hợp tác xã trở lên; số hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên; phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 100% quỹ tín dụng Nhân dân và hợp tác xã dịch vụ điện năng thực hiện chuyển đổi số.
Chương trình hành động cũng đặt mục tiêu đến năm 2045 phấn đấu có hơn 4.500 hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành lập mới từ 2.500 hợp tác xã và 50 liên hiệp hợp tác xã trở lên; củng cố từ 3.000 hợp tác xã trở lên; phấn đấu có 500 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp. Phấn đấu có khoảng 80% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế theo chuỗi giá trị.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, chương trình hành động nhấn mạnh việc nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh hợp tác xã TP đối với phát triển kinh tế tập thể.