Dịp nửa cuối tháng 9/2024, mưa lớn kéo dài, hàng trăm m3 đất đá từ trên núi cao bất ngờ đổ sập xuống tường nhà của gia đình ông Trần Đình Cương và bà Lê Thị Tân ở xã biên giới Quang Thọ, huyện Vũ Quang. Mặc dù sau mưa lũ, một phần đất đá sạt lở, cây cối gãy đổ đã được thu dọn, song hễ có mưa lớn kéo dài bà Tân lại rất lo lắng, bất an về nguy cơ sạt lở đất luôn tiềm ẩn.
“Mưa lớn kéo dài, sạt lở đất tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, sau đợt mưa lớn lần này sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, tôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, công tác cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai, khi có mưa lớn phải chủ động sơ tán, di dời đi ở nhờ nhà người thân phòng ngừa các sự cố rủi ro”, bà Lê Thị Tân ở xã Quang Thọ cho biết.
Tại các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh…người dân chủ yếu sinh sống ven các sườn đồi dốc, khe suối, hoặc bạt núi san mặt bằng xây dựng nhà ở. Do vậy, mùa mưa lũ rất nhiều nơi đã bị sạt lở hoặc nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Trước tình hình đó, chính quyền các cấp đã tập trung tuyên truyền, cảnh báo nâng cao ý thức phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho người dân; lập phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu, di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ cao, phòng ngừa các sự cố rủi ro đáng tiếc.
“Trên địa bàn xã có 59 hộ với trên 200 nhân khẩu sinh sống gần khe suối, đồi núi dốc, tiềm ẩn hiểm nguy khó lường. Mưa lớn kéo dài, chúng tôi luôn tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, trong đó chú trọng cảnh báo và sẵn sàng các phương án ứng cứu, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước khi mưa lũ xảy ra”, ông Hoàng Văn Thư- Chủ tịch UBND xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn thông tin.
Mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất luôn tiềm ẩn. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện phương án “ 4 tai chỗ”, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai để mọi người chủ động phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.
Theo các cơ quan chuyên môn ở tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay cảnh báo cấp ộ rủi ro do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp 1. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Hiện nay, tại nhiều vùng ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xảy ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động tuyên truyền, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần chủ động, ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường của mưa lũ.