Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HARACO với chiến lược kinh doanh nhằm vào thị trường ngách

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“HARACO sẽ tăng cường liên doanh, liên kết để tạo ra những sản phẩm mới; Đầu tư nâng cấp và mở rộng các loại hình dịch vụ để phát triển phương thức chuyển phát nhanh, vận tải door to door” Chủ tịch Công ty HARACO Đỗ Văn Hoan chia sẻ.

 Các chuyên gia đường sắt đều cho rằng muốn phát triển kinh doanh vận tải phải thay đổi tư duy chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ dịch chuyển hàng hóa, hàng khách từ ga A đến ga B. Cuộc chiến về thị phần vận tải, đường sắt đang gặp bất lợi trước đường bộ và đường biển, buộc họ phải sáng tạo, tìm cho mình một hướng đi mới, phát triển kinh doanh ngoài vận tải, sáng tạo ra nhiều sản phẩm vận tải mới.

HARACO đang tự làm mới mình, đẩy mạnh kinh doanh hỗ trợ vận tải. Ảnh HARACO.
HARACO đang tự làm mới mình, đẩy mạnh kinh doanh hỗ trợ vận tải. Ảnh HARACO.

Cuộc chiến không cân sức

 Năm 2023, sản lượng toàn ngành vận tải khoảng 1.430 triệu tấn thì vận tải đường sắt chỉ 4,6 triệu tấn (chiếm  0,3% thị phần), kinh doanh ngoài vận tải chiếm tỷ lệ khá thấp. Những đơn hàng vận chuyển từ kho đến kho như với Công ty Sam sung Việt Nam 434 container với doanh thu 8 tỷ đồng như của HARACO còn khá khiêm tốn. Ngay cả HARACO, tổng doanh thu hợp nhất trên 2.500 tỷ đồng thì dịch vụ cẩu, vận tải kho-ga, ga-kho, giao nhận, kiểm đếm, gia cố, áp tải hàng hóa...chỉ đạt gần 300 tỷ đồng, đối với đường sắt Trung Quốc tỷ lệ này khoảng 40-50%.

Hiện Việt Nam có 8 trung tâm logistic, 11 cảng cạn ICD, 16 điểm thông quan hàng hóa và hàng chục cảng biển thì rất ít điểm nối với ga tàu, điều này khiến cho đường sắt khó lòng nâng sản lượng vận tải hàng hóa lên cao. Không có nhiều đơn vị có thể chủ động điều tiết chi phí xếp dỡ, vận tải kho-ga như Trung tâm Kinh doanh vận tải Đa phương thức thì đường sắt phải tiến vào thị trường ngách chở hàng đặc chủng như khí nén, khí hóa lỏng, xăng dầu, hóa chất...mặt hàng mà đường bộ, đường biển khó đảm bảo an toàn. 

Đối với hành khách đi tàu cự ly vận chuyển bình quân khoảng 320 km/hk, suất thu bình quân chỉ 1.005 đồng/Hk.km khiến các nhà quản lý và kinh doanh vận tải đường sắt đang đau đầu để tìm nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao các con số này. Một trong những hướng đi mới của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là “bán tour trải nghiệm đường sắt”, nghĩa là biến toa tàu thành không gian du lịch, không gian thưởng thức văn hóa, hành khách có thể kết hợp di chuyển và làm việc trên tàu. Muốn vậy, sau 4 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng trị giá 7.000 tỷ đồng của Chính phủ, đường sắt cần đẩy mạnh kinh doanh vận tải và ngoài vận tải, tập trung làm tốt khâu vệ sinh toa xe, có thêm nhiều dịch vụ gia tăng trên tàu, dưới ga để tăng cự ly vận chuyển bình quân. 

Mô hình du lịch trải nghiệm bằng đường sắt đang phát triển. Ảnh TT
Mô hình du lịch trải nghiệm bằng đường sắt đang phát triển. Ảnh TT

Hiện HARACO đã cho triển khai đặt hàng trên App cho các đoàn tàu khách, nếu làm tốt và mở rộng tính năng này thì với số lượng trên 3,5 triệu hành khách/năm, các tổ tàu của Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội có thể thu được hàng chục tỷ đồng tiền bán các đặc sản, các sản phẩm OCOP. Vấn đề là Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội cần tìm được nguồn hàng rẻ, chất lượng và triển khai “mua trên tàu, giao hàng tại nhà” một cách thuận lợi. Hy vọng các “siêu thị mi ni” sẽ là một trong những giải pháp tăng nguồn thu cho công ty. HARACO đang triển khai thử nghiệm lắp wifi trên các đoàn tàu khách, giúp cho hành khách có thể giải trí, làm việc thuận lợi.

Những thành công của HARACO trong việc phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Trung Tâm du lịch đường sắt Đồng Hới trong việc liên kết với các hiệp hội du lịch, đơn vị lữ hành để đưa ra những tour du lịch bằng đường sắt hấp dẫn rất đáng ghi nhận. Đây chính là thế mạnh của để vận tải đường sắt hướng tới kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch đường sắt như hàng không đang triển khai. Được biết những mô hình sáng tạo trong kinh doanh như thế này đang được Công đoàn Đường sắt nghiên cứu và hỗ trợ cho các đơn vị phát triển theo xu thế kinh tế số.

Cái khó, ló cái khôn

Sau khi tổ chức đám cưới trên tàu Đà Lạt - Trại Mát, doanh thu tháng 1/2024 đã tăng thêm 85%, cà phê Hỏa xa (Hải Dương) được thiết kế mô phỏng toa tàu có 8 đôi vợ chồng trẻ chụp ảnh đám cưới, cà phê Hỏa xa ga Gia Lâm kín khách tối cuối tuần, du khách nô nức trải nghiệm đoàn tàu di sản, nhà máy xe lửa Gia Lâm 120 năm tuổi phải kéo dài thởi gian mở cửa thêm 2 ngày, hay việc phòng đợi tàu trên tầng hai nhà ga Hà Nội triển lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh của các tác giả Trịnh Minh Tiến, Phan Minh Bạch... giúp khách đi tàu và giới trẻ Thủ đô đến thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, thỏa mãn sở thích sống ảo, chụp ảnh check-in với nhà ga, con tàu và các tác phẩm hội họa.

Trung tâm du lịch đường sắt Đồng Hới đang phát huy hiệu quả. Ảnh TT
Trung tâm du lịch đường sắt Đồng Hới đang phát huy hiệu quả. Ảnh TT

“Người dân chưa bao giờ quay lưng với nhà ga, con tàu, vấn đề là bản thân người đường sắt phải thay đổi cho phù hợp với xu thế chung. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc xây dựng đoàn tàu di sản, chuyến tàu tri thức...bán những trải nghiệm mà chỉ đến đường sắt, người ta mới được tận hưởng” Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh khẳng định.

Hai công ty vận tải đường sắt đang xây dựng các kế hoạch làm mới sản phẩm, trong đó có việc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ đầu tư nâng cấp tàu SE21/22 (Sài Gòn-Nha Trang) sau thành công của thương hiệu SE19/20 (Hà Nội-Đà Nẵng) của HARACO triển khai từ tháng 10 năm 2023. “Phía bắc, đường sắt đang liên tục có sự điểu chỉnh linh hoạt các mác tàu hàng chuyên tuyến và đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải (chênh lệch thu chi) tăng trưởng từ 15% trở lên so với năm 2023 như nghị quyết của HĐQT công ty HARACO. Chúng tôi phấn đầu đầu tháng 5 năm 2024, sẽ có thêm sản phẩm mới, các đoàn tàu khách chater- thuê nguyên chuyến” CEO Nguyễn Viết Hiệp khẳng định.

Sau năm 2023 được đánh giá là kinh doanh khởi sắc nhờ sáng tạo, đổi mới thì HARACO nói riêng và đường sắt nói chung đang tự làm mới mình, tự tin vào chính mình.