Khu bảo tồn được xác định là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng - một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, nơi có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới.
Dư luận lần nữa dậy sóng khi Bình Thuận dự định làm một hồ nước ở đất rừng: dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Báo chí cho biết, vị trí của dự án nằm trên sông Ba Bích (còn gọi là sông Ta Da) thuộc hai xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Vùng lòng hồ là các thung lũng chi nhánh hai sông Ka Pét và Ba Bích.
Dự án gồm hồ chứa nước với dung tích khoảng 51 triệu m3, đập chính, kênh chuyển nước và cụm điều tiết. Trong đó, hồ chứa nước với diện tích khoảng 10km2 và đập ngăn sông cao khoảng 28m.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718ha, trong đó hơn 160ha là rừng đặc dụng. Tại thời điểm lập báo cáo, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu là rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn. Về lâu dài, mất rừng sẽ mang lại hệ lụy lớn như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất.
Tất nhiên, khi lập dự án, người ta sẽ báo cáo những mặt tích cực mà dự án sẽ mang lại lớn hơn sự mất mát về môi trường, về cây rừng. Dự án nói trên cũng không ngoại lệ.
Theo chúng tôi, sự so sánh lợi ích - mất mát là có thể làm được. Dự án sẽ giúp tưới tiêu vùng khô hạn ở Bình Thuận, khắc phục việc hạn hán, điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước thô cho sinh hoạt hoặc công nghiệp…
Rất nhiều lý do được đưa ra, rất nhiều yếu tố đã được khảo sát củng cố cho lập luận để thuyết phục các cơ quan chức năng cho phép làm dự án mà cụ thể ở đây để làm hồ nước.
Tuy nhiên, điều cốt lõi: sự so sánh hai vế thì vế mất mát là có thực, thấy ngay được còn lợi ích đang ở thì tương lai với chữ “sẽ” to đùng. Hơn 160ha rừng với những cây gỗ to và thảm thực vật qua hàng trăm năm mới có được là có thật; mất rừng, mất luôn những con vật sống trong rừng như rùa, nai đỏ, khỉ voọc, lợn rừng, chồn hương, nhím… là có thật; rồi xảy ra lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất.
Nhiều chuyên gia cho biết, trong thời đại ngày nay, ở các nước trên thế giới, bất cứ công trình nào khi đụng chạm đến thiên nhiên nói chung, đến cây rừng nói riêng sẽ phải được hết sức cân nhắc.
Chúng tôi được biết, dự án nói trên đang trong quá trình khảo sát, chờ các cơ quan chức năng thẩm định. Do đó, người dân mong mỏi và băn khoăn: liệu có thể lập dự án mà không tổn hại đến nhiều diện tích rừng như thế không? Nếu dự án không mang lại nhiều lợi ích như “hứa hẹn”, ai là người chịu trách nhiệm?