Hóa giải áp lực trái phiếu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu DN sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn ngắn hạn trước mắt của kênh huy động trái phiếu DN, đặc biệt là hóa giải một phần áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tập trung vào năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu ổn định lâu dài, vẫn cần hơn nữa sự nỗ lực của những người trong cuộc.

Một số thay đổi lớn theo Nghị định 08 bao gồm: Nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm nếu có sự đồng ý của trái chủ và hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm DN.

Thực tế hiện nay, phương án “hàng đổi hàng” hoặc gia hạn trái phiếu vẫn đang được nhiều chủ đầu tư đàm phán với khách hàng. Quy định về việc nhà phát hành có thể thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác, ví dụ bất động sản nếu được nhà đầu tư chấp nhận sẽ tạo ra một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu TPDN.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tình trạng pháp lý của dự án chuyển đổi, tính thanh khoản và năng lực tài chính của nhà đầu tư có đủ để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tạo niềm tin cho khách hàng trong quá trình đàm phán.

Với việc gia hạn cũng vậy, kéo dài thêm thời gian tối đa 2 năm có hiệu quả hay chỉ là giải pháp tình thế, vẫn phụ thuộc nhiều năng lực quản trị tài chính và khả năng tái cơ cấu của nhà đầu tư.

Một số thay đổi về việc hoãn xếp hạng tín nhiệm và các quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp dù gây nhiều “tiếc nuối” trong nâng minh bạch thị trường nhưng về mặt tích cực, cũng giúp tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công. Điều này cũng tăng khả năng tiếp cập huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lể đổi với một số DN.

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 08 đã giải quyết được một số vấn đề mang tính “tình thế” trước mắt, tháo gỡ một số khó khăn nhất định của thị trường TPDN. Còn về lâu dài, để thị trường TPDN có thể phục hồi, giới chuyên gia cho rằng, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Thứ nhất, cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ DN để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Các DN bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Thứ hai, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Thứ ba, tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng TPDN tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

Và thị trường chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này.