Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kéo người dân đến gần vận tải công cộng

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT vừa có tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội miễn phí cho toàn bộ người dân tham gia phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn Thủ đô vào 4 kỳ lễ, Tết lớn trong năm.

Theo các chuyên gia, đây là giải pháp hiệu quả để quảng bá cũng như thu hút người dân tham gia giao thông bằng xe buýt và tàu điện.

Dư luận đánh giá cao

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND TP miễn phí cho toàn bộ người dân tham gia phương tiện VTHKCC trên địa bàn Thủ đô vào 4 kỳ lễ, Tết lớn trong năm gồm: Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán; dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Quốc khánh 2/9.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, việc miễn phí vé xe buýt đã được TP thực hiện với 5 nhóm đối tượng (theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội), bao gồm: người có công, người khuyết tật, người trên 60 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Thời gian qua, chủ trương này đã được dư luận và Nhân dân đánh giá cao; thể hiện tính vượt trội về chính sách an sinh xã hội của Thủ đô đối với người dân trong hoạt động VTHKCC.

Người dân đi xe buýt tại trạm trung chuyển Long Biên. Ảnh: Hải Linh
Người dân đi xe buýt tại trạm trung chuyển Long Biên. Ảnh: Hải Linh

Theo thống kê của Sở GTVT, sau khoảng hai năm thực hiện miễn phí đi phương tiện VTHKCC bằng xe buýt cho người 60 tuổi trở lên, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2019 là 292.289 thẻ; đến hết năm 2022 là 546.382 thẻ; đến nay là hơn 603.000 thẻ, tăng 11% so với năm 2022 và gấp gần 3 lần so với sản lượng hành khách sử dụng vé tháng (có doanh thu). Trên cơ sở đó, Sở GTVT tiếp tục đề xuất UBND TP Hà Nội miễn phí cho toàn bộ người dân tham gia phương tiện VTHKCC trên địa bàn Thủ đô vào 4 kỳ lễ, Tết lớn trong năm.

Hiện nay, mạng lưới VTHKCC trên địa bàn Hà Nội có hai loại hình là xe buýt và 1 tuyến đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông). Với xe buýt, trên địa bàn TP hiện có 154 tuyến, trong đó có 132 tuyến buýt có trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour (buýt 2 tầng). Năm 2023, sản lượng hành khách xe buýt vận chuyển được đạt hơn 7,27 triệu lượt hành khách, tăng 30,6%.

Chị Nguyễn Thị Lý trú tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Tôi thường xuyên sử dụng phương tiện VTHKCC để đi lại. Hiện nay, các tuyến xe buýt cũng như tàu điện có chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ khá tốt, độ phủ cao. Người dân có thể sử dụng được phương tiện VTHKCC để đi làm, đi chơi, thậm chí coi việc sử dụng các loại phương tiện này như một loại hình du lịch trải nghiệm”.

Chị Lý cho rằng, việc Hà Nội miễn phí cho toàn bộ người dân tham gia phương tiện VTHKCC trên địa bàn Thủ đô vào 4 kỳ lễ, Tết lớn trong năm sẽ kéo người dân lại gần hơn với phương tiện công cộng. Nhiều người sẽ đi trải nghiệm và có thiện cảm đối với xe buýt, tàu điện.

Anh Nguyễn Văn Long trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi rất ủng hộ TP Hà Nội miễn phí cho toàn bộ người dân tham gia phương tiện VTHKCC trên địa bàn Thủ đô vào 4 kỳ lễ, Tết lớn trong năm. Vào những kỳ nghỉ lễ, người dân có thể sử dụng phương tiện VTHKCC để tham quan, trải nghiệm ở nhiều nơi mà không mất tiền di chuyển. Đây vừa là cơ hội quảng bá phương tiện vận tải công cộng, vừa là cơ hội để thu hút khách du lịch đến với các điểm tham quan tại Thủ đô.

Đồng bộ hệ thống

Sau khi có đề xuất của Sở GTVT, UBND TP Hà Nội đang xem xét việc này và sẽ có báo cáo HĐND TP cho ý kiến để thực hiện từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Nếu đề xuất được triển khai, Nhân dân Thủ đô và du khách có thêm cơ hội lớn để tiếp cận với các loại hình xe buýt, buýt nhanh, City Tour, tàu điện trên cao tại Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, hiện nay, Hà Nội có nhiều kiểu phương tiện hiện đại, đảm bảo tiêu chí không thua kém gì so với các nước phát triển trên thế giới, như tàu điện trên cao, xe buýt điện không gây ô nhiễm môi trường. Vào các dịp nghỉ lễ lớn, người dân sử dụng phương tiện công cộng chủ yếu để đi chơi, tham quan, du lịch bởi vậy, đây là cơ hội để quảng bá hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.

“Nếu Hà Nội miễn phí đi phương tiện VTHKCC cho tất cả người dân vào 4 kỳ lễ, Tết lớn trong năm sẽ tạo được hình ảnh, khuyến khích hành khách tham gia vận tải công cộng. Đồng thời, cũng từ dịp này có thể lấy ý kiến đóng góp, lắng nghe nguyện vọng của hành khách để thực hiện quy hoạch giao thông công cộng tốt hơn” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khương Kim Tạo nhận định, việc miễn phí phương tiện công cộng có ảnh hưởng đôi chút đến chi phí nhưng nhìn từ góc độ giải quyết các vấn đề xã hội thì là hợp lý.

“Cái thu được rất nhiều so với chi phí bỏ ra. Thứ nhất là hình ảnh phương tiện công cộng Thủ đô. Thứ hai, có thể tới đây, Nhân dân sẽ sử dụng xe buýt, tàu điện nhiều hơn, tạo ra nguồn thu lớn hơn. Cái lớn nhất là chúng ta từng bước thay đổi được nhận thức của Nhân dân về VTHKCC, từ đó, đẩy mạnh được việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một TP văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp” - ông Khương Kim Tạo chia sẻ.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hệ thống VTHKCC, theo các chuyên gia, Hà Nội cũng cần có sự điều chỉnh cũng như bố trí phương tiện, hành khách một cách hợp lý, nhất là những tuyến City Tour. Đồng thời nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, tránh tình trạng người dân phải chen chúc, chờ đợi quá lâu làm ảnh hưởng đến hình ảnh của phương tiện VTHKCC.

 

 

Để VTHKCC phục vụ tốt nhu cầu Nhân dân thời gian tới, chúng ta cần quy hoạch được mạng lưới xe buýt, gồm buýt nhanh, cỡ nhỏ, buýt thường, sau đó là các loại hình khác, trong đó có taxi. Làm sao tạo được điều kiện hạ tầng phục vụ được người dân tốt hơn. Rồi kết nối các khu vực dành riêng cho xe buýt với các khu vực khác như xe đạp điện, xe đạp công cộng. Bởi phải phục vụ tốt, thuận lợi người dân mới đi, còn chưa tốt, thì họ muốn đi cũng khó và không muốn đi.
Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khương Kim Tạo

 

Trong năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ VTHKCC phấn đấu đạt từ 22 - 25%, tăng 2,5 - 5,5% so với năm 2023; thu ngân sách đạt 158,4 tỷ đồng. Để phát triển vận tải công cộng, theo các chuyên gia, Hà Nội phải hình thành một mạng lưới đồng bộ, trong đó xe buýt vẫn là nòng cốt. Hiện, Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến buýt nhanh BRT, khó phát huy được hiệu quả.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Sở GTVT Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng đề nghị ngành GTVT ưu tiên phát triển VTHKCC, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn; xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh, vé liên thông đa phương thức các loại hình VTHKCC…