Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2023, các DN trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn còn rất lớn.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức
Thông tin từ các hiệp hội, ngành hàng cho thấy, tính đến cuối năm 2022 tình trạng cơ hội thị trường và đơn hàng đang sụt giảm nghiêm trọng ở nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, sắt thép hay xi măng... Điều này sẽ tác động rất lớn đến các DN Việt trong năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Đinh Hồng Kỳ, hiện xuất khẩu vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang sụt giảm mạnh về sản lượng cụ thể: Xi măng giảm 30%; thép giảm tới 59%; gạch ốp lát do cầu giảm, lại chịu cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nên các nhà máy cũng cắt giảm sản lượng từ 30 - 50%. Do đó, hầu hết các nhà máy trong ngành vật liệu xây dựng đã phải đóng cửa bớt dây chuyền sản xuất và hoạt động cầm chừng.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch Đinh Ngọc Đức, kể từ khi mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2,1 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt gần 92 triệu lượt (cao hơn số lượng khách của cả năm 2019, trước dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 425.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ đón được 2,1 triệu lượt khách.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh chia sẻ: Từ cuối tháng 8, đơn hàng may mặc bắt đầu có dấu hiệu đứt gãy, nhiều doanh nghiệp sụt giảm tới 50 - 60% cho nên phải cắt giảm nhân công và thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí làm một ngày nghỉ một ngày.
May Hồ Gươm cũng đang cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy và không tăng ca, thêm giờ. Tình hình này dự báo có thể kéo dài đến hết Tết Nguyên đán hoặc nửa cuối tháng 3 năm sau. Hiện công ty đang nỗ lực tìm kiếm thêm các đơn hàng trong và ngoài nước, chấp nhận bù giá và lỗ cũng làm để bảo đảm có việc cho công nhân.
Khi mà DN đang gặp vô vàn khó khăn, mới đây Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, hiện một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Châu Âu cũng đang dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến DN xuất khẩu bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường. Chưa hết, trong hoạt động sản xuất, DN phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn như lãi suất tăng nhanh; tỷ giá đồng USD tăng giá làm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí vốn sản xuất; tiếp cận vốn khó khăn hơn…
Các DN sản xuất nông nghiệp cũng thiếu vốn để thu mua nguyên liệu, trong khi một số nông sản, nhất là các loại hạt đang đến kỳ thu mua, tập trung vào các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn, DN lại không thể tiếp cận với tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh. Nếu tình trạng này kéo dài, các DN khó có thể duy trì tốt hoạt động, thậm chí mất dần khả năng hồi phục.
Làm gì để vượt khó?
Năm 2023 khả năng kinh tế thế giới được dự báo đi vào suy thoái. Trong nước, lạm phát dưới 4% nhưng quan ngại lạm phát lõi, lạm phát cơ bản cao.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ TT&TT) Nguyễn Trọng Đường đánh giá, dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng chúng ta lại phải đối mặt với các khó khăn... Trong bối cảnh như vậy, các DN đều phải cắt giảm chi phí, đồng thời tích cực chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi chuyển đổi số giúp DN thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua khủng hoảng.
Thực tế cho thấy, những DN làm tốt chuyển đổi số họ có khả năng phục hồi nhanh hơn, và sau khủng hoảng họ đã lấy lại tốc độ tăng trưởng. Theo ông Đường, các DN cần có chuyển đổi số để phục hồi và phát triển, trong đó công nghệ không quan trọng mà phải ra được bài toán đúng, khi đó công nghệ mới giải quyết được câu chuyện này. Trong đó, có các lĩnh vực mà một DN phải quan tâm như tiếp thị bán hàng, tài chính, thanh toán, hoạt động chuỗi cung ứng hành chính nhân sự, hệ thống thông tin...
Bên cạnh việc DN tự thân vận động để vượt qua khó khăn thì họ cũng rất cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách TS Nguyễn Quốc Việt nhận định, để giúp DN đối phó với những biến động và khó khăn, chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu. Theo ông Việt, khi DN có những khó khăn, bất ổn thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết.
"Bản thân DN cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho DN" - ông Việt cho biết.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho DN, đặc biệt là các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.
Ngoài ra trong năm 2023, Chính phủ cần tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DN.
"Để vượt qua khó khăn khủng hoảng, các thông tin của DN, các thông tin về chính sách cần kịp thời hơn, cần được minh bạch hơn, để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của DN; từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ, ngành T.Ư để có những dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp DN vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023." - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách
TS Nguyễn Quốc Việt