Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất giảm, doanh nghiệp chưa hết lo

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng giảm lãi suất huy động bắt đầu trên diện rộng. Các DN vẫn chưa thể mừng vì sản xuất kinh doanh khó khăn, lãi suất cho vay còn cao, đặc biệt có nguy cơ tăng trở lại.


Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Nhiều ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất. 2 trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank và Agribank đã hạ lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng 0,2 - 0,3% so với trước. Các ngân hàng tư nhân khác như LienVietPostBank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank cũng đã giảm lãi suất 0,1 - 0,6% với các kỳ hạn 6 - 12 tháng.

Công ty CP Công nghiệp JK Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Phạm Hùng
Công ty CP Công nghiệp JK Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Phạm Hùng

Như vậy tính tới 7/3, chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là KienLong Bank và SCB.

Tuần trước, gần chục nhà băng cũng đã giảm lãi suất huy động như NCB, BacABank, OCB, BaoVietBank, DongABank, PGBank. NHNN cho biết trong tháng 2/2023, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4% một năm và có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo xu hướng giảm của lãi suất huy động là do những yếu tố chính sau đây: Một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022; chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, tỷ giá được ổn định; nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

Kiến nghị giảm thêm lãi suất cho vay xuống 8%

Cùng với lãi suất huy động giảm, nhiều ngân hàng triển khai các gói vay ưu đãi cho khách hàng vay mới trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.

Như ACB có gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng, giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất. Sacombank vừa dành 1.000 tỷ đồng ký kết cho DN vay ưu đãi với lãi suất giảm 2% so với mức bình thường. Trước đó, ngân hàng này cũng đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng DN có nhu cầu vay thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng DN đạt hạng siêu VIP theo chính sách khách hàng Sacombank Sapphire.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt giảm 2% cho khoản vay 100 tỷ đồng dành cho các DN, cũng như triển khai gói tín dụng 8.000 tỷ dành cho DN và cá nhân giải ngân mới, giảm từ 0,5 - 1%/năm cho tất cả khách hàng hiện hữu. Techcombank công bố gói 30.000 tỷ đồng. MB giảm 1%/năm lãi suất vay với khách hàng DN có doanh thu dưới 100 tỷ đồng khi đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online... Hay OCB triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng dành cho DN với LS từ 8%/năm.

Đặc biệt, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Big 4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm đối với các khoản vay cũ và mới.

Có thể thấy, việc tham gia giảm lãi vay của các ngân hàng thương mại cổ phần ngày càng gia tăng thời gian gần đây, ngoài từ yêu cầu của NHNN thì còn do việc triển khai cho vay đang có xu hướng chậm lại bởi sức khỏe của cộng đồng DN không đủ kham chi phí vốn quá đắt đỏ. Tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Liên Sơn Nguyễn Thái Linh cho biết, DN vừa được ngân hàng gửi thông báo giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5%/năm. "Lãi suất cho vay giảm là tín hiệu khả quan. Nhưng kinh tế rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm, sức mua rất yếu, cả nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. Do vậy DN rất ngại vay vốn. Nhiều DN dệt may, đồ gỗ, in... đã không còn gồng nổi và đã phải sa thải lao động hàng loạt" - ông Linh nêu thực tế.

Nhiều DN vay mới chỉ nhằm mục đích trả nợ cũ ở ngân hàng khác chứ không phải mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ mà không có phương án khả thi, ngân hàng không dám cho vay. Với tình hình như hiện nay, nhiều DN đang sản xuất cầm chừng, nhiều khách hàng cá nhân không gồng nổi lãi suất phải cắt lỗ để lấy tiền tất toán hợp đồng vay trước hạn... khiến tín dụng khó tăng mạnh trở lại.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, nhiều người mua nhà cho biết, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm, hiện tại, khoản vay vẫn đang phải chịu lãi suất 14 - 15%. Hiện nay, lãi vay mua nhà thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (như Agribank, Vietcombank, BIDV…), mức phổ biến khoảng 11 - 12%/năm, với khách hàng cũ.

Tuy vậy, điều kiện vay vốn của các ngân hàng này cực kỳ chặt chẽ, nên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận. Đa phần khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đều đang mắc kẹt với lãi suất cao.

Các DN dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2023 vẫn còn khó khăn khi sức mua của các thị trường toàn cầu ở mức thấp. Do đó, các DN kiến nghị NHNN giảm thêm lãi suất, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp để các NH thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; khống chế trần lãi suất, giữ lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia có lãi suất thực cho vay cao nhất thế giới. NHNN cần có phải có biện pháp mạnh hơn nữa để các ngân hàng thương mại giảm đồng loạt lãi suất để đẩy tín dụng, giảm chi phí cho phù hợp với thị trường để DN phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh.
TS Nguyễn Trí Hiếu

Lại lo lãi suất tăng

Xu hướng lãi suất trong nước đang giảm trở lại nhờ sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, những áp lực tiềm ẩn vẫn tồn tại và lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa sớm dừng lại.

Trước đó, hầu hết nhận định đều tin rằng với mục tiêu lãi suất quanh 5,1%, sau lần tăng 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng 2 vừa qua, Fed có thể chỉ còn tăng 0,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp vào tháng 3 và tháng 5. Tuy nhiên, mục tiêu mới được đề cập khá nhiều trong những ngày qua đã lên mốc 5,5% hoặc có thể hơn, tức còn cách ít nhất 0,75 điểm phần trăm từ mức hiện tại 4,75%.

Tình hình trong nước, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán HSC cho rằng lạm phát tại Việt Nam có thể chưa đạt đỉnh và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế trong thời gian tới, khi các yếu tố tiêu dùng thiết yếu như giáo dục, y tế, điện đều sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Bên cạnh đó là bài toán về nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng. Dù trong trường hợp nào, những ảnh hưởng nhất định có tính tiêu cực lên lãi suất là cần phải dè chừng. Nếu các ngân hàng trung ương lớn trên giới như Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ dẫn đến lãi suất trong nước có thể tăng trở lại, thị trường sẽ khó khăn hơn.

Các DN kiến nghị nhanh chóng các giải pháp hỗ trợ nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất bởi rất nhiều DN đang chật vật để “sống”. Đặc biệt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN do hiện nay quy định chặt khiến nhiều DN chưa thể tiếp cận nguồn vốn như: thủ tục để vay vốn, sự chênh lệch lãi suất giữa các DN vay, việc định giá tài sản của DN các ngành còn nhiều bất cập dẫn đến DN vay vốn bị thiệt thòi…

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần tăng cường biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động, giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN.

 

Khảo sát của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, có 43% số DN gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% DN phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có 41,2% DN cho biết thị trường bị thu hẹp; 30,1% DN gặp khó khi hàng tồn kho nhiều; 17,6% đối diện vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng.