Thảo luận tổ tại Kỳ họp HĐND TP Hà Nội:

Làm rõ việc bố trí vốn để đảm bảo triển khai các dự án

Thái An - Long Tiên - Ảnh: Thanh Hải -Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, các đại biểu đề nghị cần làm rõ việc bố trí vốn để đảm bảo triển khai các dự án; phải tính toán giữa chủ trương đầu tư với phê duyệt dự án và nguồn vốn đáp ứng được thực tế để hiệu quả cao.

Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 3
Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 3

Thảo luận tại tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND TP khóa XVI chiều 3/7, nhiều ý kiến thể hiện sâu sắc, đề xuất những giải pháp mới, trách nhiệm xung quanh cả 5 nhóm vấn đề được đưa ra bàn thảo. Trong đó, nhóm vấn đề về đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023; định hướng kế hoạch đầu tư công Thành phố năm 2024 được nhiều đại biểu quan tâm.

Công khai rõ việc xử lý các dự án

Đối với cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, thảo luận tại tổ 2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (Tổ đại biểu huyện Chương Mỹ) cho rằng, cần bám sát nguyên tắc: không làm thay đổi tổng nguồn vốn của kế hoạch 5 năm. Đồng thời, bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025 được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định và danh mục thứ tự ưu tiên dự án.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thảo luận tại tổ 2
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thảo luận tại tổ 2

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, trong các nguồn thu ngân sách đầu năm, nguồn thu đấu giá đất chưa đạt. Dẫn chứng thu đấu giá quyền sử dụng đất chỉ đạt 5,42%, thu tiền từ đất chỉ đạt 21,2% kế hoạch cả năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến băn khoăn, cả 2 khoản thu này đều đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công. Nếu không thu được thì không biết cuối năm chúng ta bù đắp bằng nguồn nào?

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, thảo luận tại tổ 3, đại biểu Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, cần làm rõ việc bố trí vốn để đảm bảo triển khai các dự án. Phải tính toán giữa chủ trương đầu tư với phê duyệt dự án và nguồn vốn đáp ứng được thực tế để hiệu quả cao.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố, theo đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Nghị quyết đã được thành phố triển khai rất quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đề nghị HĐND thành phố tiếp tục tập trung giám sát thực hiện các dự án. UBND thành phố tiếp tục có cơ chế như thành lập tổ liên thông giải quyết các TTHC để giảm thời gian thực hiện cho các doanh nghiệp.

Thảo luận tại tổ 3, đại biểu Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, cần làm rõ việc bố trí vốn để đảm bảo triển khai các dự án. Ảnh: Nguyên Bảo
Thảo luận tại tổ 3, đại biểu Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, cần làm rõ việc bố trí vốn để đảm bảo triển khai các dự án. Ảnh: Nguyên Bảo

Bên cạnh đó, có nhiều dự án GPMB, các chính sách liên quan đến nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến vướng mắc trong triển khai, do đó, đại biểu Hoàng Anh Tuấn đề xuất HĐND thành phố có cơ chế nếu các dự án có liên quan đến các cơ chế khác nhau thì có mức đền bù theo mức giá mới để thống nhất thực hiện. Ngoài ra, HĐND Thành phố cần yêu cầu UBND thành phố có báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo từng quý và công khai rõ việc xử lý các dự án.

Đề nghị thu hồi các dự án không triển khai

Thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội Nghệ nhân TP Hà Nội cho hay, đối với các dự án chậm triển khai cần có chính sách thúc đẩy. Đại biểu đề nghị các dự án không triển khai thì thu hồi, còn doanh nghiệp nào vướng thủ tục hành chính gây chậm trễ thì tháo gỡ. Đồng thời đề nghị HĐND có giám sát cụ thể và trả lời của các cơ quan nhà nước vì sao dự án chậm tiến độ và giải trình rõ. Đối với những dự án ngoài ngân sách huy động nguồn lực ở dân, đề nghị thành phố quan tâm để tháo gỡ khó khăn.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (tổ Sóc Sơn) cho rằng: Đến nay, thành phố đã có đánh giá kết quả thực hiện nửa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cần chú ý đến cả đánh giá của người dân trong cảm nhận được những chuyển biến từ phúc lợi, hạ tầng, đời sống dân sinh, như: chế độ chính sách về đất đai, vệ sinh môi trường, ách tắc giao thông, GPMB… Từ đó, đại biểu đề nghị các tổ phải tiếp tục tăng cường giám sát, nhất là những chương trình mục tiêu, công trình trọng điểm.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) thảo luận tại tổ 5
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) thảo luận tại tổ 5

Nêu ví dụ vấn đề sử dụng nước sạch, đại biểu Phạm Quang Thanh cho rằng, nếu đã là dịch vụ công thì mọi người dân Hà Nội phải được hưởng chính sách công bằng như nhau, nhưng hiện vẫn còn nhiều vùng người dân chưa được tiếp cận với nước sạch. Nên lấy các tiêu chí đáp ứng các dịch vụ công để đánh giá mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của chính quyền.

Đại biểu Lưu Quang Huy (tổ Sóc Sơn) cùng chung ý kiến với đại biểu Phạm Quang Thanh khi cho đầu tư công là động lực chính cho phát triển và để hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần phải có quyết tâm và lộ trình rõ ràng. Để giải ngân nốt 70% vốn trong 2 năm còn lại, theo đại biểu còn vướng mắc rất nhiều về cơ chế, chính sách, do đó, cần có cơ chế đặc thù để giải quyết các vướng mắc về pháp luật. Đại biểu cũng chỉ ra những điểm mấu chốt để giải quyết liên quan đến thủ tục, cơ chế chính sách, GPMB, phải tập trung cao độ mới đạt được kế hoạch.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Hànộimới (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) nêu bất cập từ cơ sở quận như sự thiếu hụt, xuống cấp và phát triển chưa đồng bộ các hạ tầng giao thông tĩnh (bến bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt...).

“Thành phố vừa thông qua đề án khai thác và sử dụng tăng nguồn thu từ các tài sản công. Hiện rất nhiều tài sản công có thể đưa vào khai thác, xã hội hóa nhằm tăng nguồn thu nhưng chưa thể thực hiện. Việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở hiện cũng đang gặp khó khăn, gây ra lãng phí” - đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu.