Lặng lẽ Đông về trên góc phố...

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gió bắt đầu thổi nhẹ, lạnh đến tê người. Mọi người hình như đã chui vào những căn nhà nhỏ bé của phố Hà Nội. Từng cây bàng nơi góc phố đang lắc đầu nghiêng nhẹ theo chiều gió. Hình như cây cũng lạnh lắm thì phải.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Buổi sáng lúc 5 giờ Chủ nhật, đường phố Hà Nội lác đác một hai người rảo bước vội vàng trên hè phố. Họ cố gắng đi thật nhanh để làm ấm thêm cơ thể. Gió mùa Đông Bắc thổi nhẹ, mặt đường mờ sương. Trong con đường vắng ấy, anh như thấy tháp thoáng bóng dáng của cô ấy.

Lạnh ở Hà Nội không giống cái lạnh của các nơi khác, lạnh thấu xương thấu thịt ngay cả khi đóng kín cửa nhà, cái lạnh vẫn len vào từng kẽ hở càng làm cho bao kẻ lữ khách xa nhà phải chạnh lòng khi Đông đến. Vào quán phở ăn sáng, một vài người khách xin chủ quán cho họ một chén rượu gạo. Thứ rượu trong vắt như nước mưa của làng Vân nổi tiếng từ bao đời đang truyền cho từng cơ thể cái ấm áp nóng rần dễ chịu.

Buổi chiều, trời sập tối. Mới có 5 giờ mà đã tối nhọ mặt người. Từng nhóm người đang hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc và tránh cái rét tê tái của mùa Đông. Một vài kẻ nhàn du đang đi dạo trên hè phố. Hai tay đút vào túi quần và co người trong chiếc áo choàng dày. Có thể họ là những kẻ đã xa Hà Nội lâu ngày, nay về để tìm lại những cảm giác của ngày xưa. Cảm giác của những buổi sáng đi học thời chiến tranh chống Mỹ. Trời rét quá phải đốt giấy để trong ống bơ sữa bò và hơ tay vào để bớt cóng mà cầm bút viết…

Trên con đường vắng, anh bỗng có ý tưởng điên rồ: Bỗng nhiên, thật tình cờ anh gặp lại người ấy, cô con gái cùng chung bàn, chung lớp, chung trường sau đã gần 30 năm xa cách. Bởi vậy, anh lại lang thang trên những con phố nhỏ thân quen.

Thú thực là, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học (thời bấy giờ gọi là cấp 3) ra trường, không hiểu sao anh và cô ấy không liên lạc với nhau nữa.

Phần vì, ngày đó, anh theo gia đình vào Nam lập nghiệp, rồi học đại học trong đó. Phần nữa, thời bấy giờ gần như không có điện thoại di động, điện thoại bình thường cũng khó khăn vì không phải nhà nào cũng có.

Thế nhưng, lúc đang học năm hai, anh nhận được thư của cô ấy, nét chữ mềm mại quen thuộc: “… thân! Khi bạn nhận được thư này, mình đã là người con gái có chồng. Mình không hiểu sao mình lại viết thư cho bạn về điều này. Mình chúc bạn học giỏi, thành công trong cuộc sống sau này”.

Anh cầm bức thư đọc đi, đọc lại cho đến lúc thuộc làu. Đến lúc này, anh mới biết mình vừa đánh mất một điều gì đó rất lớn lao, hệ trọng trong cuộc đời. Anh thầm nghĩ: Giá mà, giá mà…

Hồi đó, anh và cô bạn chung bàn thân nhau vì nhiều lý do. Anh học giỏi toán, cô học giỏi văn, thỉnh thoảng người này bày cho người kia. Thật ra, cô gái ấy thường nói: “Mang tiếng mình học giỏi văn nhưng cũng không bằng bạn, dù mình thường đạt điểm cao hơn”. Đó là bởi, anh chịu khó đọc rât nhiều tác phẩm văn học Đông -Tây, kim - cổ. Đến nỗi, thầy giáo dạy văn cũng thừa nhận là đọc ít hơn anh. Hai người còn hợp nhau ở chỗ: Anh cao lớn, to khỏe; cô bạn người mảnh dẻ, yếu đuối… Vậy là anh là người bảo vệ không công cho cô suốt mấy năm học.

Hồi đó, anh chỉ nghĩ về cô như một cái gì đó rất mơ hồ về sự dịu dàng, dễ chịu. Mỗi năm Hè về, ít gặp cô bạn hơn, có lúc anh lấy nhớ cô đến xốn xang… Thế thôi!

Gió bắt đầu thổi nhẹ, lạnh đến tê người. Mọi người hình như đã chui vào những căn nhà nhỏ bé của phố Hà Nội. Từng cây bàng nơi góc phố đang lắc đầu nghiêng nhẹ theo chiều gió. Hình như cây cũng lạnh lắm thì phải. Anh vẫn lang thang trên hè phố Hà Nội để cảm nhận cái rét đến tê lòng, để tận hưởng từng làn gió mùa Đông đang mơn man trên chiếc đầu trần với mái tóc đã bạc dần vì năm tháng.

Đang miên man suy tưởng thì chuông điện thoại reo… Vợ anh gọi hỏi thăm Hà Nội có lạnh lắm không, anh có nhớ mang áo rét không? Chả là lúc anh ra Hà Nội vì có việc cơ quan cử đi gấp, vợ anh đang đi làm.

Đột nhiên, anh mặt đỏ bừng, nóng ran dù trời lạnh. Anh có cảm giác như vợ bắt gặp ý nghĩ trong đầu của mình. Anh nói qua điện thoại: “Vợ ơi! Anh có mang theo áo lạnh. Anh là người Hà Nội nên biết cái lạnh Hà Nội mà! Mai anh về sớm!”.