Lấy lại niềm tin vào thẻ tín dụng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

KinhtedothiSau vụ lùm xùm nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng quên trả sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có chỉ đạo quan trọng nhằm bảo đảm không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải minh bạch các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi, đặc biệt là với thẻ tín dụng, và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ... cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp bảo đảm khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình.

Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện ích, đang ngày càng phổ biến góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Những năm gần đây, các ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng, bởi thị trường rất tiềm năng, dân số trẻ chiếm tới 70%. Nhiều ngân hàng chọn gia tăng thị phần thẻ tín dụng là mảng kinh doanh cốt lõi.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian dài, cuộc đua mở, phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng thương mại khiến người dùng dễ dàng có được. Chuyên viên ngân hàng mở thẻ cho khách bằng mọi cách, mà không có sự tư vấn kỹ lưỡng. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong quy trình quản lý mở thẻ tín dụng, quản lý các khoản nợ của khách hàng.

Việc theo dõi nợ của các ngân hàng cũng không sát, không thông báo cũng như liên lạc kịp thời đến khách hàng khiến nợ xấu kéo dài. Từ phía khách hàng, nhiều trường hợp khi phát sinh lãi cao, bất hợp lý mới thấy các nội dung trong hợp đồng mở thẻ là quá dài, từ ngữ chuyên ngành khó hiểu và không đọc kỹ, thậm chí có trường hợp lơ là theo dõi các khoản chi tiêu khiến dư nợ phát sinh ngoài ý muốn.

Tình trạng phát hành thẻ không đúng đối tượng cũng phổ biến. Nhắm vào lỗ hổng của thẻ tín dụng, không ít kẻ gian đã lợi dụng lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng online để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra có cả những trường hợp nhiều kẻ xấu thực hiện chiêu trò rút tiền qua “giao dịch mua hàng khống” bằng thẻ tín dụng; rút tiền mua bán ngoại tệ qua thẻ tín dụng… NHNN sau đó đã phải can thiệp và cảnh báo các hành vi gian lận này.

Những ngày qua, bên cạnh những chia sẻ về vụ việc của Eximbank, cũng có rất nhiều bình luận, bài đăng trên mạng xã hội về việc đã từng gặp rắc rối, mất tiền “oan” vì thẻ tín dụng. Thậm chí, có người chia sẻ bản thân là chuyên viên khách hàng cá nhân tại ngân hàng mà cũng “từng mất thêm gần 4 triệu đồng chỉ vì thiếu nợ thẻ tín dụng hơn 10.000 đồng”. Không chỉ lãi suất cao, khách hàng phải thanh toán các khoản phí… Nhiều người khuyên nhau kiểm tra, hủy thẻ tín dụng lâu ngày không dùng…

Siết chặt thẻ tín dụng là thông điệp mới từ NHNN nhằm tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng để minh bạch lành mạnh hóa thị trường, đồng thời lấy lại niềm tin với người dân. Ngoài việc phải công khai, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng các loại phí, lãi suất, công bố rõ các quy định, điều khoản trong giao dịch thẻ tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng khi phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng cần chủ động thông tin đến chủ tài khoản và phối hợp với các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.

Dù vậy, theo nhiều ý kiến, cần thêm quy định mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Làm được như vậy, sản phẩm thẻ tín dụng nói riêng và dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói chung mới có thể phát triển một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro cho cả ngân hàng lẫn khách hàng.