Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao vị thế đầu tư, nuôi dưỡng cơ hội tăng trưởng dài hạn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc quản lý chủ động, kiểm soát hiệu quả nợ công đã góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.

Năm 2022, Chính phủ dự kiến vay tối đa 675.546 tỷ đồng (gần 30 tỷ USD). Chưa tính gói 350.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 43/2022/QH15, thì theo dự kiến ban đầu, trường hợp GDP năm 2022 tăng trưởng khá, Chính phủ tính toán nợ công năm 2022 vẫn dưới 44% GDP, nợ Chính phủ 40 - 41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 40 - 41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 21 - 22%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia đánh giá, đây là mức tương đối thấp so với các nước cùng khu vực như Malaysia 62,2%, Philippines 54,5% và Thái Lan 49,4%.

Việc quản lý chủ động, kiểm soát hiệu quả nợ công đã góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.

TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin bảo đảm tính sẵn sàng, kết nối đồng bộ, thống nhất của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn trung và dài hạn rất lớn.

Theo bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, khủng hoảng Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đẩy nhanh các cải cách, chuyển đổi cần thiết để khôi phục phát triển kinh tế, để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

“Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức thấp là một vị thế mạnh mẽ để Việt Nam có thể huy động thêm nguồn vay thực hiện mục tiêu” - bà Dorsati Madani nhấn mạnh.

TS. Luke Hong - chuyên gia chính, Trưởng nhóm nghiên cứu về Việt Nam của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đánh giá, so với các nền kinh tế khác trong khu vực, gói kích thích tài khóa của Việt Nam để giảm thiểu tác động của Covid-19 tương đối khiêm tốn, một phần nhờ nỗ lực ngăn chặn đại dịch hiệu quả của Việt Nam.

Để tiếp tục phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh môi trường còn nhiều biến động, Chính phủ Việt Nam có đủ dư địa chính sách để cung cấp hỗ trợ bổ sung nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tiềm năng tăng trưởng, chẳng hạn như đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế công và cơ sở hạ tầng công cộng.

“Trong khi đó, việc hỗ trợ có mục tiêu cho các DN vừa và nhỏ và các hộ gia đình có thu nhập thấp cần được tiếp tục và các cơ quan chức năng cần thường xuyên được xem xét về mức độ phù hợp và hiệu quả. Cần tạo thêm nguồn lực từ việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho DN... để phục hồi kinh tế. Việc giải ngân các chương trình hỗ trợ đơn giản hơn và có mục tiêu tốt hơn sẽ giúp tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Chính phủ” - TS. Luke Hong khuyến nghị.

Thành quả củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công còn giúp cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Đến tháng 5/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (gồm Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng triển vọng lên “Tích cực”.

Bước sang 2022, ngày 28/3, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.

Việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia là thông điệp có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, giảm chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và DN; đồng thời tạo niềm tin thu hút vốn đầu tư cả trong và nước ngoài.