Phát biểu tại buổi họp báo ngày 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, bất kỳ ý định tịch thu và chuyển tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine tới từ các nước phương Tây “sẽ là hành vi xâm phạm trái phép tài sản có chủ quyền”, và Moscow trong trường hợp cần thiết sẵn sàng đưa ra những biện pháp đáp trả.
Bà Zakharova lưu ý thêm, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đầu tư rất nhiều vào Nga. Điều này đồng nghĩa một lượng đáng kể tài sản tới từ các quốc gia này vẫn còn ở Nga, và giá trị của chúng lớn hơn so với những tài sản của Nga bị nước ngoài thu giữ.
“Chúng tôi muốn mọi thứ được thực thi theo luật pháp, và chúng tôi sẽ cho Mỹ và các quốc gia đồng minh của họ ‘một cơ hội cuối’ để xem xét lại bất kỳ kế hoạch nào về việc tịch thu tài sản của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho việc bảo vệ những lợi ích của đất nước, bao gồm cả việc sử dụng những biện pháp đền bù bình đẳng”, hãng thông tấn RT dẫn lời bà Zakharova nói.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế nên phản đối việc các nước phương thúc đẩy kế hoạch sung công tài sản bị phong tỏa của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm 16/2 tuyên bố, trong trường hợp cần thiết, nước này sẽ có hành động đáp trả nếu EU quyết định tịch thu tài sản của Nga và chuyển cho phía Ukraine.
Phát biểu với hãng tin Tass, Thứ trưởng Grushko nhấn mạnh Nga sẽ đánh giá tình hình và nếu cần thiết sẽ triển khai hành động đáp trả thích hợp. Ông cũng nhấn mạnh rằng chỉ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) mới có quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, Thụy Điển, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cho biết các đại diện EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15/2 vừa qua, trong đó nhất trí thông qua việc thành lập Nhóm công tác chung xem xét việc sử dụng các tài sản bị phong tỏa hoặc tịch thu của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine.
Cũng trong ngày 15/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, với mục đích cắt nguồn cung hàng hóa có giá trị khoảng 11 tỷ euro (hơn 11,7 tỷ USD). Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt thứ 10 này nhắm tới nhiều hàng hóa công nghiệp mà Moscow cần và những hàng hóa mà Nga không thể tìm được nguồn cung từ các nước thứ ba.
EU đã triển khai 9 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, trong đó nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ. Các quan chức ngoại giao EU cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt.
Theo RT, phương Tây đã đóng băng dự trữ quốc gia trị giá hàng trăm tỷ USD của Nga ở nước ngoài, cũng như tài sản của những nhà tài phiệt được coi là “thân cận với giới lãnh đạo Điện Kremlin”. Tuy nhiên, chính quyền Moscow coi động thái này của phương Tây là một hành vi trộm cắp.