Loạt ngân hàng lãi hàng chục tỷ đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, cả 4 ngân hàng có vốn Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank, đều đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả 4 ngân hàng này đều ghi nhận lợi nhuận đạt hoặc vượt mốc 1 tỷ USD.
Tại hội nghị tổng kết mới diễn ra, không đưa ra chi tiết con số, Vietcombank báo cáo "lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao". Trước đó đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Năm 2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 37.368 tỷ đồng.
Vậy với số lãi trước thuế ước tính năm 2023 khoảng vượt 40.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận năm 2024 của Vietcombank có thể sẽ hơn 44.000 tỷ đồng khi kế hoạch tăng trưởng 10%. Nếu đạt được mức này, ngân hàng sẽ có mức lãi xấp xỉ 2 tỷ USD.
3 ngân hàng còn lại trong nhóm “Big4” cũng vừa công bố một số chỉ tiêu kinh doanh sơ bộ, trong đó ghi nhận hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2023.
Theo đó, tại BIDV, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.750 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khối công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, khối liên doanh đạt 945 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2022. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank.
Ngân hàng Agribank cho biết, đến cuối năm 2023, lợi nhuận trước thuế ước đạt 25.300 - 25.400 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) VietinBank Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VietinBank từng ghi nhận lãi trước thuế hơn 17.400 tỷ đồng.
Như vậy, có thể ước tính rằng trong riêng quý IV/2023, ngân hàng đã thu về hơn 6.600 tỷ đồng lợi nhuận. Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,15%, giảm 0,09 điểm % so với cuối năm 2022 và nằm trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Một số ngân hàng khác cũng đã ước tính kết quả lợi nhuận trong năm 2023 như Sacombank, PVCombank, VIB cũng đều tăng, đạt kế hoạch đề ra.
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng tăng là do chi phí vốn của các ngân hàng tiếp tục giảm trong quý IV/2023 nhờ tiền gửi chi phí thấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn.
Còn PSG.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, hiện tại, đa số ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp. Trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng đều tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn.
Tuy nhiên, đến quý IV/2023, tăng trưởng tín dụng bật tăng mạnh và áp lực trích lập dự phòng dịu bớt cũng khiến lợi nhuận quý cuối cùng năm 2023 của các ngân hàng tăng cao so với 3 quý trước đó. Dù vậy, theo ông Huân, nếu đạt lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.
Trước đó, theo thống kê của các công ty chứng khoán, trong số 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê, có 8 ngân hàng chưa hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm và phần lớn hoàn tất 50-60% kế hoạch. Tuy nhiên, đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng đều chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận - điều thường diễn ra trong bối cảnh tín dụng khó khăn, một phần do đặt nhiều kỳ vọng trong quý còn lại của năm.
Các yếu tố hỗ trợ bao gồm kết quả kinh doanh quý IV tích cực hơn kỳ vọng, nền định giá duy trì ở mặt bằng thấp trong thời gian dài (khoảng 1 năm), và xuất hiện các thông tin liên quan đến việc sửa đổi một số thông tư tạo điều kiện mở rộng hoạt động cho vay cũng như cơ cấu nợ vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Trong bối cảnh DN và người dân gặp khó trong sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng… dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm, các ngân hàng cũng khó khăn trong việc cho vay. Lợi nhuận của các ngân hàng được dự đoán tiếp tục phân hóa, có sự khác biệt giữa ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn.
Lãi suất tiền gửi giảm nhanh hơn cho vay, kỳ vọng gì ở năm 2024?
Năm 2024, Vietinbank đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2024 tăng từ 5 - 10%; tín dụng tăng theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao (NHNN) khoảng hơn 14%. Huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng bảo đảm các chỉ số an toàn về thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%.
BIDV đặt mục tiêu cho năm 2024 điều hành dư nợ tín dụng theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, bảo đảm an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức khoảng 1,4%...
Còn với Vietcombank, tổng tài sản năm 2024 đặt mục tiêu tăng 8% so với năm trước. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) kiểm soát ở mức dưới 80%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm 2023.
Hiện tại, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dừng lại và được dự báo sẽ sớm đảo chiều. Mặt bằng lãi suất trong nước cũng liên tục giảm nhiều tháng qua. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua đi.
Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đưa ra dự báo, lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng trong năm 2024 nhờ NIM (biên lãi ròng) tăng khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay.
Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV/2022 dần đáo hạn và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên trong môi trường lãi suất thấp, chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.
Kết quả điều tra của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024. Theo nhận định của các TCTD, tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022, và dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024. Nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định, ngành ngân hàng sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024 khi nợ xấu tiếp tục đè nặng, làm gia tăng áp lực trích lập dự phòng, nhất là khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực từ ngày 30/6/2024. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải xuất quỹ dự phòng để xử lý nên lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Sau khi NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, giao toàn bộ room tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng. Mức tăng trưởng tín dụng 15% có thể đạt được trong năm 2024 nhờ mức nền thấp trong năm 2023 và dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2024.
Dự báo về lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2024, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có “bộ đệm” dự phòng mạnh sẽ có động lực tăng trưởng cao, kỳ vọng vượt bình quân ngành với mức tăng trưởng lợi nhuận từ 18 - 20%.
Tuy nhiên, NIM của ngành ngân hàng có thể vẫn chịu áp lực khi mức trần nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung, dài hạn giảm từ 34% xuống 30%. Điều này khiến các ngân hàng sẽ phải giảm cho vay trung, dài hạn, hoặc phải huy động thêm nguồn vốn trung dài hạn và sẽ tác động làm giảm NIM.
“NHNN cần có biện pháp kiểm soát các ngân hàng một cách linh hoạt để nắn dòng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, vào các khu vực động lực tăng trưởng; không để tín dụng tăng nóng, hạn chế đua lãi suất huy động vốn, nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất và chất lượng tín dụng” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.