Ngự phê của 10 vị vua triều Nguyễn: Giá trị vượt thời gian

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lần đầu tiên, những bản công văn bằng giấy dó tích lũy trong hơn 100 năm trị vì của các vị vua triều Nguyễn được trưng bày trước đông đảo công chúng tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Cầu Giấy, Hà Nội). Bên cạnh thông điệp chuyển tải đến công chúng, là ước mơ trở thành tư liệu thứ 4 của Việt Nam được thế giới vinh danh.

Khối lượng châu bản đồ sộ

Năm 2011, Trung tâm lưu trữ quốc gia I từng làm "dậy sóng" dư luận với cuộc triển lãm "Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn". Giữa tháng 8 này, Trung tâm lại tiếp tục công bố 132 phiên bản thuộc khối Châu bản triều Nguyễn, có niên đại từ Gia Long đến Bảo Đại (1802 - 1945). Dù phòng trưng bày nằm trên con phố mới (Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy), song người xem vẫn nườm nượp, vì những văn bản công khai tư tưởng, lối sống của các vị vua triều Nguyễn.

Không chỉ người Hà Nội, mà không ít người là hậu duệ của vua Nguyễn từ Huế đã cất công về chiêm ngưỡng các châu bản. Ông Tôn Thất Lý Huy, hậu duệ đời thứ 7 của vua Gia Long, tâm sự: "Sau khi đọc trên internet thấy thông tin về triển lãm này, tôi cùng mọi người trong dòng họ từ Huế đến Trung tâm lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội để chụp lại bút tích của tiên đế. Tôi thật sự vui sướng khi những bút tích đã hơn 200 năm mà Nhà nước lưu trữ rất cẩn thận để phổ biến rộng rãi cho các thế hệ sau được tự hào về truyền thống của dân tộc, qua quốc trình dựng nước và giữ gìn giang sơn gấm vóc phồn vinh".
 
 
Ngự phê của 10 vị vua triều Nguyễn: Giá trị vượt thời gian - Ảnh 1

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và các nhà khoa học nghe giới thiệu về “Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn” tại triển lãm.

Cho dù, triển lãm chia làm 10 phần, mới giới thiệu 1/7 số lượng phiên bản thuộc khối Châu bản mà Trung tâm lưu trữ quốc gia I đang giữ. Nhưng đây lại là những phiên bản độc đáo, hiếm có như: Phiên bản của vua Gia Long ngự phê trong thời gian lâm bệnh nặng: "Mong được như thầy thuốc nói thì vui mừng biết chừng nào". Và 19 ngày sau đó, ngự phê của ông vẫn là một hy vọng chân thành: "Tiết tiểu hàn đã qua, đang dần đến ấm áp, chính là lúc mong khoẻ mạnh". Từ triển lãm, có thể thấy, bút phê của Minh Mạng, Tự Đức về những việc từ quốc gia đại sự như vấn đề quốc phòng, vấn đề bị đe dọa ở biên cương cho đến những việc nhỏ trong hoàng tộc. Vua Tự Đức có thời gian trị vì dài nhất các đời vua triều Nguyễn (36 năm), nên số lượng "Vua phê còn nhiều hơn lời tâu".

Các châu bản tại triển lãm khá phong phú: Tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, sớ..., cùng nhiều hình thức ngự phê như: Châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Mỗi hình thức ngự phê đánh dấu những thời điểm trị vì khác nhau của các đời vua.

Sẽ trở thành di sản tư liệu thế giới?

Hiện Trung tâm lưu trữ quốc gia I đang lưu giữ 700 tập gồm 400.000 trang tài liệu của phiên bản thuộc khối châu bản. Song 400.000 trang tài liệu này mới là 80% khối lượng châu bản có được trong hơn 100 năm trị vì của các vị vua triều Nguyễn. Số còn lại bị thất lạc ở nhiều nơi mà Trung tâm chưa có điều kiện thu thập đầy đủ. Khối lượng phiên bản thuộc châu bản triều Nguyễn được các nhà sử học đánh giá cao: "Châu bản là tư liệu rất quý, chỉ có triều Nguyễn mới có. Trước triều Nguyễn, dường như ta không có bút tích của một vị vua nào, kể cả thời kỳ huy hoàng nhất của chế độ quân chủ như thời Lý - Trần, Lê Sơ" - GS Phan Huy Lê nói. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn cân nhắc đề xuất xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Theo ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I: "Trước mắt, cần tổ chức cuộc hội thảo học thuật, đánh giá lại giá trị tài liệu đủ tiêu chuẩn là di sản tư liệu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay của thế giới. Sau khi các chuyên gia đánh giá khối tài liệu này thật sự đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO, Trung tâm mới quyết định đề nghị với Ủy ban UNESCO tại Việt Nam. Trung tâm sẽ đưa những công việc này vào kế hoạch làm việc trong năm 2013".

Giấc mơ là di sản tư liệu thế giới của châu bản triều Nguyễn chưa biết có trở thành hiện thực hay không, nhưng chắc chắn trong khoảng 2 năm nữa, những phiên bản thuộc khối châu bản triều Nguyễn sẽ được dịch sang chữ quốc ngữ và in thành sách. Đây là việc làm thiết thực nhất nhằm giới thiệu nội dung châu bản đến đông đảo người Việt.