Nhà đầu tư hồi hộp chờ báo cáo việc làm, chứng khoán Mỹ rơi đỉnh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm nhẹ trong ngày thứ Năm sau khi lập kỷ lục mới trong phiên trước đó.

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 6/6. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 6/6. Ảnh: CNBC

Chứng khoán Mỹ biến động ngược chiều trong phiên ngày 6/6 khi giới đầu tư thận trọng theo dõi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 5, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 7/6. Báo cáo này kỳ vọng sẽ cung cấp thêm manh mối về sức mạnh của thị trường lao động và con đường chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tới.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 sụt 0,02% xuống còn 5.352,96 điểm, sau khi chạm mức cao mọi thời đại vào đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,09% còn 17.173,12 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số Dow Jones cộng 78,84 điểm (tương đương 0,2%) lên 38.886,17 điểm.

Trong phiên ngày 6/6, cổ phiếu Lululemon tăng 4,8% khi nhà sản xuất đồ thể thao có kết quả tài chính quý 1 vượt kỳ vọng. Cổ phiếu Five Below lao dốc 10,65% do kết quả kinh doanh và triển vọng mờ nhạt. Cổ phiếu Nvidia mất 1,1% và hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục thiết lập phiên đầu tuần.

Giới đầu tư tư Phố Wall đang chờ đợi bản báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ để tìm kiếm những dấu hiệu về một thị trường việc làm suy yếu - yếu tố có thể dẫn tới việc Fed sớm nới lỏng chính sách.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo được 190.000 công việc mới trong tháng 5. Số liệu được công bố cao hơn hay thấp hơn mức dự báo trên đều có thể dẫn tới dịch chuyển kỳ vọng lãi suất, gây biến động giá tài sản.

Chuyên gia Ross Mayfield của Công ty Baird nhận định với đài CNBC: “Diễn biến trên thị trường cổ phiếu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn và không có dấu hiệu nào của sự suy thoái. Nhưng có thể Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ quá lâu và đà suy yếu của thị trường lao động khó có thể dừng lại một khi đã bắt đầu”. 

Ngoài ra, các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 ở mức 3,9%, theo FactSet.

Trong báo cáo đưa ra hôm 6/6, chiến lược gia vĩ mô Henry Allen của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết, nếu tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9% hoặc thấp hơn, thị trường lao động Mỹ sẽ có chuỗi “tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% kéo dài nhất kể từ đầu những năm 1950”.

Chuyên gia Allen cho rằng nếu sự tương đồng giữa hiện tại và thập niên 1950 vẫn duy trì thì sẽ “có rất nhiều cơ hội để lạc quan”. 

“Tỷ lệ thất nghiệp thấp thường là động lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động và phải tập trung vào nâng cao hiệu suất của đội ngũ nhân viên hiện có. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại một số cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới” -  ông Allen nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất.

Đầu những năm 1950, đã có tới ​​35 tháng liên tiếp nền kinh tế Mỹ duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4%. 

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 6/6 đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019. Fed sẽ có quyết định chính sách tiếp theo trong cuộc họp tuần tới và nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì lãi suất ở mức hiện tại. Tuy nhiên, xác suất để Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đang tăng lên.

Các nhà giao dịch nhận thấy 68% cơ hội giảm lãi suất vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME.

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên giao dịch bùng nổ, với  S&P 500 tăng 1,2% lên mức đóng cửa cao kỷ lục, còn Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức cao mọi thời đại.