Nhiều biện pháp giảm tải cho hệ thống y tế

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, các ngành chức năng của Hà Nội chỉ rõ phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0, vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ.

Nhiều xã, phường ở Hà Nội đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả tại nhà, giảm tải cho các tuyến trên.

Tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thời gian qua trung bình có 150 - 200 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên phường đã chủ động chia đầu việc xuống từng tổ dân phố với nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin. Phường đã thành lập 8 tổ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà với 35 thành viên cùng trạm y tế (TYT) hỗ trợ từng bệnh nhân khai báo y tế, mua nhu yếu phẩm, cấp phát thuốc qua các nhóm Zalo từng khu dân cư, tổ dân phố...

Các thông tin được cập nhật ngay vào phần mềm quản lý F0. Hàng ngày, qua phần mềm quản lý F0, TYT sẽ phê duyệt khỏi bệnh cho bệnh nhân; bệnh nhân tự test âm tính, chỉ cần gửi ảnh hoặc quay video qua nhóm Zalo…

Hay như phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, là một trong các phường triển khai linh hoạt, khoa học, hợp lý quy trình tiếp nhận hồ sơ, xác nhận, trả kết quả cho các ca F0, F1 cũng như công tác quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc cho các ca mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp F0, TYT phường sẽ tổng hợp danh sách và làm tờ trình lên UBND phường làm Quyết định cách ly y tế theo dõi tại nhà. Tổ trưởng tổ dân phố sẽ quản lý nhóm Zalo gồm các hộ gia đình có bệnh nhân F0, nhằm nắm bắt thông tin, gửi thông báo kịp thời, chính xác…

Với số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh, việc cho phép theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà thông qua các kênh Zalo được đánh giá đã giúp giảm tải số lượng người bệnh tại BV, các điểm thu dung. Mặt khác, đối với người nhiễm Covid-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, việc điều trị tại nhà cũng đảm bảo hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo TTYT quận Hà Đông, thông thường, người mắc Covid-19 khi khai báo với các TYT sẽ được hướng dẫn khai báo trên phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà. F0 cập nhật thông tin sức khỏe trên phần mềm 2 ngày/lần để trạm y tế nắm được thông tin. Ngay khi F0 có diễn tiến bất thường, cần cập nhật vào phần mềm, nhân viên y tế sẽ nắm bắt được và phát “báo động đỏ” để liên hệ chuyển viện.

Nếu đã khai báo rồi nhưng chưa thấy lực lượng y tế liên hệ ngay tức thì, bệnh nhân có thể kiên nhẫn chờ đợi một chút. Vì nếu thấy báo động đỏ trên phần mềm, chắc chắn nhân viên y tế sẽ liên hệ lại xác nhận sớm nhất. Trường hợp F0 chưa khai báo với TYT, nếu không may trở nặng nhưng vẫn không thể liên hệ y tế địa phương, bệnh nhân có thể tới thẳng các BV trên địa bàn để cấp cứu. Đơn cử như tại quận Hà Đông, BV Đa khoa Hà Đông tiếp nhận điều trị F0 thuộc tầng 2 và tầng 3.

Tại BV Đa khoa Đống Đa, đơn vị tiếp nhận điều trị F0 cả ở tầng 2, tầng 3 và tầng 1 (cơ sở thu dung Đền Lừ do BV quản lý), TS Phạm Bá Hiền - Giám đốc BV cho biết, việc đầu tiên F0 cần làm ngay khi phát hiện dương tính là khai báo ngay cho y tế xã, phường để được quản lý, phân tuyến. Đa số F0 sẽ diễn tiến từ không triệu chứng tới nhẹ, có thể điều trị tại nhà, do y tế cơ sở chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc cũng như cấp thuốc. Trường hợp “có cần thiết phải đi viện hay không, tới BV thuộc tầng mấy” cũng do y tế cơ sở phân loại, quyết định dựa vào điều kiện cách ly, tiền sử bệnh nền, triệu chứng lâm sàng.

Trong những trường hợp liên hệ y tế cơ sở không được do quá tải, quá đông thì người dân có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tất cả các BV đều tham gia công tác phòng chống dịch. Ngay cả BV tuyến quận, huyện cũng có các khu thu dung điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa, ngoài ra còn có những BV tầng 3 chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng.

“Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Đồng thời, người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý”, TS. Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần