Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những cơ hội đặc biệt cho kinh tế Việt Nam

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là vô cùng mạnh mẽ. Những cánh cửa “cơ hội đặc biệt” đang mở ra cho đất nước từ những thay đổi diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh.

Ảnh min họa. Nguồn: Internet.
Ảnh min họa. Nguồn: Internet.

Báo cáo giữa năm 2024 của Citi về triển vọng kinh tế của Việt Nam cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 5,7% so với quý I. Con số này cho thấy khả năng hồi phục bền vững của nền kinh tế. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ gia tăng xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

2023 được coi là một năm đầy thử thách với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng năm 2024 của Việt Nam cho thấy những con số đáng mong đợi. Đó là con số tăng trưởng GDP đạt 6,9% vào quý II/2024 trên nền quý I/2024 mới đạt 5,7%. Điều này được đóng góp chính bởi ngành sản xuất và dịch vụ, ngoài ra do cầu nội địa và chi tiêu được cải thiện.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần đây có nhiều thuận lợi. Nếu như năm 2021, lạm phát tại Việt Nam tăng 1,8% và đạt khoảng 3% vào năm 2022 và 2023, thì 6 tháng đầu năm 2024 đã 4,03%.

Những tín hiệu tích cực từ chỉ số kinh tế vĩ mô trên đã tạo ấn tượng với nhà đầu tư nước ngoài. Các DN như Aeon Mall, Uniqlo, Lotte… đã chuyển sang Việt Nam thể hiện sự chuyển dịch đầu tư FDI vào Việt Nam. Năm 2012, FDI của DN Nhật vào Việt Nam, 61% dành cho xuất khẩu, thì cho đến gần đây, tỷ trọng này chỉ còn 49%. Nhà đầu tư Nhật cũng như nhiều nhà đầu tư khác cũng đang thực sự ghi nhận tiềm năng tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam.

Chuyên gia cho rằng, diễn biến địa chính trị là điều không may trên thế giới nhưng lại đem đến những lợi thế cho Việt Nam. Nhiều khách hàng từ Mỹ trước đây đặt hàng phụ kiện Đài Loan (Trung Quốc). Hiện Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam ở rất nhiều địa điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An…với hàng tỷ USD.

Những cánh cửa “cơ hội đặc biệt” đang mở ra cho đất nước từ những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp năm 2024. Thực tế này củng cố hơn nữa vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất quan trọng.

Dựa trên nền đã đạt được nửa năm 2024, nhiều dự báo cho rằng, áp lực tăng chi phí trong lĩnh vực công nghiệp sẽ bình thường trở lại vào năm 2024, với lạm phát có thể duy trì ở mức 3,5% đến 4%. Mặc dù lạm phát giá lương thực trong tháng 6 khá cao, ảnh hưởng đến chỉ số chung nhưng lại được cân bằng bởi đà giảm của giá nhiên liệu.

Các chuyên gia lạc quan, tỷ lệ lạm phát còn ít dư địa để tiếp tục tăng. Có thể có những điều chỉnh về giá điện trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến có thể dẫn đến khả năng giảm giá dầu vào nửa cuối năm 2024 và năm 2025, điều này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, giá gạo giảm ở các nước láng giềng có thể làm giảm nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam, dẫn đến lạm phát giá lương thực trong nước giảm.
Với những tín hiệu lạc quan này, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Đơn cử, Citi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 6% lên 6,4%.

Thực tế, kinh tế Việt Nam đang chứng kiến tăng trưởng GDP phục hồi ổn định. Cải cách cơ cấu đang được tiến hành góp phần củng cố khu vực ngân hàng và kích hoạt sự phục hồi của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, cách tiếp cận chủ động của Việt Nam trong việc mở rộng các hiệp định thương mại tự do với các thị trường tiềm năng đã đóng vai trò then chốt trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho đất nước.