Nỗ lực đạt tăng trưởng GDP 6%

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng qua tăng 4,24% so với cùng kỳ, là con số khá tích cực khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng thách thức trong thời gian còn lại của năm là rất lớn để đạt tăng trưởng cả năm là 6%.


Cơ hội cùng thách thức đan xen

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng đang có sự phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước. GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,08%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới.

Lạm phát trong nước nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới bình quân đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 75,5% kế hoạch; xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, tính chung 9 tháng xuất siêu 21,68 tỷ USD.

GDP 9 tháng qua tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh :Thanh Hải
GDP 9 tháng qua tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh :Thanh Hải

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, một số khó khăn, thách thức đã kìm hãm tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm 2023 không cao như kỳ vọng. Đó là vẫn còn những lo ngại về các yếu tố bên ngoài như lạm phát và tỷ giá USD gần đây tăng trở lại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định chưa tăng thêm lãi suất nhưng không cam kết sẽ dừng việc tăng nữa hay không…; cầu thế giới phục hồi yếu.

Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; thị trường xuất khẩu thu hẹp…

Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN năm 2023 lớn…

“Việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Các tổ chức quốc tế cũng lần lượt đưa ra các dự báo thận trọng hơn về triển vọng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%, giảm 0,7% so với báo cáo tháng 4.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh, với môi trường bên ngoài vẫn không thuận lợi, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục chững lại trong thời gian còn lại của năm. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 4,9%.

Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và giảm 1,3% so với dự báo trong tháng 6.

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cũng vừa đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại từ mức 8% trong năm 2022 xuống còn 4,7% trong năm 2023.

Với tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, Bộ KH&ĐT đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023, lần lượt 5% - 5,5% - 6%. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực.

 

Cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan tỏa, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng

 

Các ngành, các địa phương và DN cần tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, từ đó tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Kích cầu cho nền kinh tế

Trong cuộc họp Chính phủ ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, chọn kịch bản tăng trưởng cả năm khoảng 6% (kịch bản cao nhất) để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023. Để đạt được mức này, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý IV cần phải là 10,4%.

Do vậy, cho dù đã giảm so với mục tiêu 6,5% được đặt ra từ đầu năm, nhưng 6% vẫn hết sức thách thức, cần phải phấn đấu rất nhiều.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường trên các lĩnh vực; trong nước, chúng ta có những thuận lợi cơ bản, tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó dứt khoát, hiệu quả, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Giải pháp của Chính phủ là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng (như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…).

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ; tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, người dân, DN...

 

Có 2 cách chính để Chính phủ bơm tiền ra thị trường đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đang rất chậm chạp. Để giải quyết vấn đề thừa tiền thì giải ngân mạnh đầu tư công chính là một trong các cách giải quyết để đẩy tín dụng vào nền kinh tế.
Giám đốc Economica Việt Nam - TS Lê Duy Bình

 

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã tham mưu, kiến nghị các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN, người dân để triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa (trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với tăng phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN...