Song đây cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo Việt Nam và Hà Nội trong chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới…
Những khó khăn kéo dài
Đại dịch Covid-19 kéo dài không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý người dân mà còn gây ra những hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, làm gián đoạn, đứt ngãy các chuỗi cung ứng và giảm sút cả tổng cầu, tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công, thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng quốc gia và quốc tế…
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Theo Ban Kinh tế T.Ư, dịch bệnh trong hai năm 2020 - 2021 đã gây tổng thiệt hại cho nền kinh tế cả nước hàng chục tỷ USD; Cộng đồng DN bị tổn thất nặng nề, suy giảm cả về lượng và hiệu quả hoạt động...
Đặc biệt, làn sóng thứ tư của dịch từ tháng 7/2021 kéo dài nhiều tháng qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực toàn diện và trực tiếp nhất đến đời sống kinh tế - xã hội Hà Nội, nhất là trong quý III/2021 thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Cục Thống kê Hà Nội thông tin, tính chung 11 tháng 2021 toàn TP chỉ có 22.100 DN đăng ký thành lập mới, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; 2.800 DN thực hiện thủ tục giải thể, tăng 23% và 11.300 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 14%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 497.400 tỷ đồng, giảm 6,3% và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 13,7 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Hà Nội giảm 79,7% và khách trong nước giảm 25,6% so cùng kỳ.
Theo báo cáo của UBND TP, tỷ lệ giải ngân chung vốn đầu tư công toàn TP đến thời điểm 26/11/2021 mới đạt 44,4%. Ước năm 2021đạt 84,3% kế hoạch TP giao và bằng 93,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Khẳng định bản lĩnh, khả năng và sức chống chịu của Hà Nội
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, song số DN đăng ký thành lập mới vẫn đạt 307.800 tỷ đồng, tăng 2% và có hơn 9.500 DN hoạt động trở lại, tăng 64%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
TP vẫn thu hút được 1,3 tỷ USD vốn FDI. Đặc biệt, tổng thu NSNN trên địa bàn 11 tháng năm 2021 ước thực hiện 238.100 tỷ đồng, đạt 101,1% dự toán Trung ương giao (đạt 94,7% dự toán TP giao) và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 9,4% và tổng dư nợ tín dụng tăng 11,5% so với thời điểm kết thúc năm 2020, Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2,1% trong tổng dư nợ cho vay. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 68.500 khách hàng, với dư nợ 76.500 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 316.400 khách hàng với dư nợ 575.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 2.355.000 tỷ đồng đối với hơn 186.000 lượt khách hàng.
Công tác an sinh xã hội được coi trọng, tính đến hết ngày 21/11/2021, TP đã chi ngân sách và xã hội hóa gần 5.758 tỷ đồng (NSNN là 5.354 tỷ đồng) hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giải quyết việc làm cho hơn 160.000 lao động, hoàn thành kế hoạch giao trong năm, dù giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngày 1/11/2021 UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 246 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 quý IV năm 2021, năm 2022 và 2023, với 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách TP. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất.
Cùng với việc đề cao kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, bảm đảm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, với tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước. TP đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho phục hồi và duy trì các hoạt động kinh tế theo quan điểm bám sát chỉ đạo T.Ư và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP; lấy DN là chủ thể tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh vừa làm trung tâm phục vụ, hỗ trợ toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Thành lập và triển khai hoạt động của các Tổ công tác của TP Hà Nội về tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh. Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất thông qua các Chương trình kết nối Ngân hàng - DN; hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển TP, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để cho DN…
Với những giải pháp chủ động, toàn diện và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân, kỳ vọng Hà Nội tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế bứt phá hơn, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7% trong quý IV và mức tăng 4,5 - 5% cho cả năm 2021; tạo đà cho những nỗ lực tiếp theo để hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, với GRDP tăng từ 7,0 - 7,5% theo Kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng chống Covid-19 năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng chống Covid-19 năm 2022 mà HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào đầu tháng 12/2021.