Đường Võ Văn Ngân, đoạn gần chợ Thủ Đức có độ dốc lớn, cứ mưa lớn khoảng 15 phút, nước lại chảy như thác, đổ dồn về chỗ thấp.
Tình trạng ngập xảy ra nặng nhất là trên các tuyến đường Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân quanh chợ Thủ Đức.
Tương tự, mặt đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao cắt với đường sắt Bắc - Nam cứ mưa là ngập sâu.
Tại quận Gò Vấp, mỗi khi mưa kéo dài trên 15 phút cũng khiến các tuyến đường Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích ngập lút bánh xe.
Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), cho biết khu vực phía bắc thành phố Thủ Đức tuy cao nhưng có dạng gò đồi, cao độ địa hình có xu hướng giảm dần từ phía Bắc về phía Nam, Đông Nam.
Đặc biệt, mức độ chuyển tiếp giữa khu vực có địa hình cao đến khu vực có địa hình trũng thấp biến thiên rất lớn, tạo thành những khu vực có độ dốc hơn 10% như tuyến đường Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, khu vực chợ Thủ Đức... Đó là những nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường nước chảy xiết như dòng thác giữa phố khi mưa xuống.
Một nguyên nhân nữa được ông Điệp chỉ ra là hạ tầng hệ thống thoát nước khu vực thành phố Thủ Đức không đáp ứng kịp nhu cầu khi lưu vực thoát nước liên tục tăng lên do tốc độ đô thị hóa.
Theo TS Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), những năm gần đây, nơi phát sinh điểm ngập nhiều nhất không phải là những địa bàn thấp trũng mà là những địa bàn cao ráo của TP Hồ Chí Minh như: thành phố Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn…
Nguyên nhân chính gây ngập ở các khu vực này là do tình trạng đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Việc bê tông hóa đã thu hẹp dần diện tích đất để thẩm thấu nước, các kênh rạch thoát nước tự nhiên cũng không còn nên tình trạng ngập càng thêm trầm trọng.
Theo ông Hồ Long Phi, so với cách đây 10 - 12 năm thì tình trạng ngập hiện nay đã cải thiện rất nhiều, số điểm ngập đã giảm từ 150 xuống còn chưa tới 20 điểm.
Tuy nhiên, đang có sự “dịch chuyển” ngập từ khu vực trung tâm thành phố ra vùng ven. “Trước đây, nguồn vốn đầu tư cho thoát nước là vốn vay ODA lên đến hàng tỉ USD. Còn hiện nay, vốn đầu tư cho hệ thống thoát nước rất hạn chế, trong khi các quận ven lại đang đô thị hóa nhanh, mạnh” – ông Phi nói.
Ông Hồ Long Phi dự báo, tình trạng ngập ở các quận ven, huyện ngoại thành sẽ kéo dài và có thể ngày càng nặng hơn do đô thị hóa theo quy trình ngược. Đáng lẽ ra, hệ thống thoát nước phải được đầu tư trước, trên cơ sở độ dốc, địa hình, hệ thống sông rạch tự nhiên để phù hợp với lưu vực, sau đó mới hoàn thiện các hạ tầng khác.
“TP Hồ Chí Minh cần nhanh chóng giữ lại một số khu vực còn đất trống như ở Quận 9 cũ, Quận 12, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè để quy hoạch hệ thống thoát nước đồng bộ với quá trình đô thị hóa” – ông Hồ Long Phi đề xuất.