Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông chủ Công ty Việt Á khai gì về tài sản “khủng” đang bị phong toả?

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/1, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng bị phong tỏa…

Sẽ khắc phục hậu quả bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên

Tại phiên toà, khi HĐXX xét hỏi về các tài sản bị kê biên, phong tỏa, bị cáo Phan Quốc Việt nói không nhớ hết các tài sản. Tuy nhiên, khi được HĐXX nhắc nhở thì bị cáo Việt xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên bị cáo với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng bị phong tỏa. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phong toả 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này (trị giá 20 tỷ đồng).

Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên toà.
Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên toà.

Theo bị cáo Việt, các sổ tiết kiệm đứng tên mẹ là do bị cáo trả nợ. Theo bị cáo Việt, trong 15 năm Công ty Việt Á làm ăn nhiều lần bị cáo phải vay tiền gia đình, nhờ gia đình trợ giúp vì bản thân không đủ lực. Đối với số tiền trong 2 sổ tiết kiệm của con, bị cáo Việt thừa nhận đây là tiền của mình và số tiền này có được từ nhiều hoạt động khác nhau.

Để làm rõ số tiền hơn 140 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Phan Quốc Việt, HĐXX triệu tập bà Tr. (mẹ Việt) nhưng một người có mặt tại phiên toà cho biết, mẹ bị cáo Việt sẽ có mặt tại tòa sau do nhận được giấy triệu tập muộn.

Đáng chú ý, đối với việc khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Phan Quốc Việt cho biết, bản thân sẽ khắc phục bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên.

Trong một diễn biến khác, khi tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Công ty Việt Á đã tự nghiên cứu về test xét nghiệm. Đầu năm 2020, khi Việt nói về việc được phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm bà Thủy có biết nhưng không trực tiếp làm việc.

Về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án, bà Thuỷ cho biết, sau khi bị bắt, Việt đã ủy quyền cho vợ điều hành Công ty Việt Á nhưng bản thân chỉ là người làm nghiên cứu nên chỉ biết cung cấp những thông tin có được và đã ủy quyền cho nhân viên pháp chế đại diện Công ty Việt Á ra tòa.

Với tư cách cá nhân, bà Thủy chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho chồng và các bị cáo liên quan vì đã góp công sức chống dịch. Bản thân bà Thuỷ và công ty sẽ cố gắng khắc phục trên tinh thần hết sức có thể.

Các bị cáo tại phiên toà.
Các bị cáo tại phiên toà.

Vay kit xét nghiệm để chống dịch?

Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Công ty Viêt Á, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Định - cựu Giám đốc CDC Nghệ An cho hay, không quen biết ai ở Công ty Việt Á. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế cấp bách, Nghệ An đối diện với dịch Covid-19, bị cáo Định với tư cách là Giám đốc CDC Nghệ An đã chỉ đạo việc vay kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Bị cáo Định khẳng định, trước khi vay kit xét nghiệm có gọi điện hỏi ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và nhận được sự đồng ý nhưng chỉ đạo này không có văn bản. Đồng thời thừa nhận việc vay kit xét nghiệm và sau đó hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán cho Công ty Việt Á là sai phạm.

Theo lời khai của bị cáo Định, CDC Nghệ An ký 5 hợp đồng với Công ty Việt Á và đã thực hiện được 4, đến hợp đồng thứ 5 thì Phan Quốc Việt bị bắt. Khi mượn kit và thanh toán hợp đồng, bị cáo Định nói không quan tâm, không đề cập đến việc được trích phần trăm hoa hồng. Sau khi thanh toán hợp đồng, Công ty Việt Á có 2 lần chuyển tiền cho CDC Nghệ An nói là mua kit xét nghiệm nên hỗ trợ. Riêng bị cáo Định khai nhận được nhận 185 triệu đồng từ Công ty Việt Á thông qua cựu Kế toán trưởng của CDC Nghệ An là Nguyễn Thị Hồng Thắm.

Trước câu hỏi của chủ toạ về cáo buộc tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Định cho rằng hoàn toàn xác đáng và bản thân là Giám đốc trung tâm nên phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, bị cáo cho rằng bản thân chỉ mới làm Giám đốc chưa đầy một tháng thì dịch bùng phát. Cả tỉnh Nghệ An chỉ có nguồn kit xét nghiệm Công ty Việt Á nên đành phải vay để chống dịch. Quá trình triển khai hoạt động chống dịch, bị cáo không có động cơ vụ lợi.