Đó là vấn đề được PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.
“Thảm đỏ” chưa đủ sức hút
Tại nghị trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, vấn đề thu hút người tài tiếp tục được nhắc đến với những khó khăn và kết quả chưa như mong muốn. Bà đánh giá thế nào về các chính sách, cơ chế đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay?
- Trước hết phải thấy rằng, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài rất được các cấp, các ngành quan tâm.
Thực tế từ trước đến nay đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án về việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã có các chương trình, đề án riêng về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài.
“Thảm đỏ” được trải ra rộng mở với ưu đãi về chế độ chính sách, tạo cơ hội cho người tài năng cống hiến. Nhiều địa phương đã ươm tạo thành công các DN khoa học công nghệ; tận dụng tốt nguồn lực các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển nền kinh tế tri thức, thúc đẩy khoa học công nghệ...
Tuy nhiên, đúng là nhìn từ thực tế, hiệu quả vẫn còn chưa được như mong muốn, đúng như Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã nói tại nghị trường Quốc hội khi trả lời đại biểu, đây là điều rất trăn trở, bởi hiệu quả chưa cao.
Thực tế, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, “thảm đỏ” sức hút vẫn chưa đủ mạnh, nên việc "chảy máu chất xám" vẫn còn diễn ra. Do đó, dù có chính sách, cơ chế nhưng rồi vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán về vấn đề này.
Tôi nghĩ rằng, cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về nhân tài trong các lĩnh vực, các tiêu chí xác định nhân tài cũng như làm rõ các cơ chế, chính sách với tư duy và biện pháp đột phá hơn.
Khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp, bởi học giỏi chỉ là một tiêu chí để xác định là nhân tài.
Nói đến người tài rất rộng, không chỉ là người giỏi kiến thức, nghiên cứu, mà có người tài trong khoa học công nghệ, nhân văn, quản lý, lãnh đạo… Từ đó, giải quyết một cách đồng bộ các giải pháp để thực sự thu hút và giữ được nhân tài.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó tạo môi trường làm việc cho người tài, đồng thời thu hút người tài từ các khu vực khác về khu vực công là một vấn đề rất quan trọng đang đặt ra.
Hiện, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Nhiều ý kiến nhận định, khi thực thi, đây sẽ là một bước tiến mới để tạo đột phá cho vấn đề này. Quan điểm của bà ra sao?
- Đề án được hoàn thiện và thực thi đúng là có thể tạo ra bước đột phá lớn và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam hoạch định một chiến lược thu hút người tài ở cấp quốc gia.
Điều đó cho thấy mức độ trọng thị với trí thức, với nhân tài, nhưng vấn đề là các quy định, giải pháp cần sát thực tiễn và thực thi các quy định, chính sách ấy mới là điều cần chú trọng hơn nữa.
Như trên đã nói, hiện nhiều bộ, ngành, địa phương có nhiều chính sách song hiệu quả chưa cao, số nhân tài thu hút được còn rất thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân có phải do chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn?
Theo tôi, chế độ đãi ngộ chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Các quy định về thu hút nhân tài hiện chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào mà chưa tạo cơ chế, môi trường làm việc cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.
Tôi kỳ vọng đề án "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài" lần này với cách làm bài bản, có lộ trình, sẽ rà soát, hoàn thiện các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài, để đưa vào áp dụng sẽ dần loại bỏ các "điểm nghẽn" hiện nay.
Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhà nghiên cứu, trí thức, tài năng trên nhiều lĩnh vực đã khẳng định được vị trí, vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tạo bước đột phá trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhiều người đã mang lại cho xã hội những sản phẩm có giá trị từ công nghệ mới, sản phẩm mới, các công trình kiến trúc mới, các loài giống cây mới… Nhưng để thu hút và trọng dụng nhân tài, không chỉ ở vấn đề đãi ngộ mà cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có môi trường làm việc để họ thể hiện được năng lực, tài năng rất quan trọng, bởi “dụng nhân như dụng mộc".
PGS.TS Bùi Thị An
Và chúng ta cũng nên đánh giá lại thời gian đã làm tốt ở đâu, chưa làm tốt ở đâu, nguyên nhân là gì và trên cơ sở đó đề xuất xử lý những vấn đề bất cập. Phải đưa ra những giải pháp mang tính đột phá về thu hút và phát huy trình độ, năng lực của nhân tài, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững
Truyền đi thông điệp về “chiêu hiền đãi sĩ”
Thực tế thời gian qua, có một vấn đề cũng liên tục được nhắc đến đó là tình trạng “chảy máu chất xám”, không giữ chân được nhân tài, đặc biệt là khu vực công. Bà nghĩ sao về thực trạng này?
- Đây là một thực trạng rất cần suy nghĩ, theo tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả vấn đến tiền lương, môi trường làm việc, áp lực công việc đến điều kiện làm việc chậm được cải thiện...
Trở lại câu chuyện thu hút nhân tài, tôi nghĩ không chỉ là một khâu của quy trình quản lý nguồn nhân lực, mà phải là tổng thể các cơ chế, chính sách tạo sức hấp dẫn nhằm kêu gọi, giữ chân được họ.
Trong đó, các cơ chế, chính sách đưa ra được những giải pháp cụ thể, mang tính chất đột phá còn phải có sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên khi thực hiện.
Bởi thế, nên có chiến lược cả về tài chính, cơ chế tuyển dụng, đặc biệt là phải tạo môi trường làm việc. Nếu chúng ta tuyển dụng về mà không tạo môi trường làm việc thì cũng không giữ được nhân tài; đồng thời có cơ chế phát huy năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy khát vọng, niềm tin.
Thực tế cho thấy, đối với nhân sự trình độ cao, tính chất công việc có ý nghĩa quan trọng, họ muốn được phát huy tối đa những tri thức mình có.
Đôi khi những giá trị vật chất không còn ý nghĩa quan trọng như người ta thường nghĩ (mặc dù cần thiết cho cuộc sống lắm) nếu người tài thỏa mãn được những kỳ vọng lớn lao của mình như được cống hiến và thấy mình hữu ích.
Với chiến lược, cơ chế đang được xây dựng, thực thi, đây chắc chắn sẽ là cơ sở vững chắc, qua đó truyền đi thông điệp về “chiêu hiền đãi sĩ”, thưa bà?
- Đúng vậy, việc xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, sẽ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội…
Một điểm nữa theo tôi cũng rất quan trọng, chính sách thu hút người tài thành công hay không phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị.
Nếu người đứng đầu có tài, có tâm, tạo môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng sự sáng tạo, bình đẳng, tạo điều kiện cho người tài “có đất dụng võ”, phát huy tối đa tài năng.
Theo tôi, từ những giải pháp mang tính chiến lược được xác định, tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định liên quan, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước, phát huy được chất xám, tiềm năng sẵn có tại mỗi địa phương.
Nếu làm được, trong giai đoạn tới, chắc chắn sẽ góp phần phát triển và nâng cao chuỗi giá trị kinh tế có hàm lượng trí tuệ cao, tạo sự bứt phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xin cảm ơn bà!