Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Phát triển phố đi bộ gắn với văn hóa, lịch sử

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, UBND quận Ba Đình quyết định phê duyệt dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị để thực hiện đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận tại phố Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh.

Giá trị tổng mức đầu tư dự án là gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận. Mục tiêu dự án là góp phần tăng cường năng lực tiêu thoát nước mưa, đảm bảo mỹ quan đô thị và góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Đồng thời, quận tạo thêm tuyến phố gắn với các dịch vụ khác phục vụ người dân, thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh doanh khu vực phát triển, tạo cảnh quan văn minh và không gian vui chơi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Du khách trải nghiệm trên không gian Khu phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình. Ảnh: Duy Khánh
Du khách trải nghiệm trên không gian Khu phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình. Ảnh: Duy Khánh

Để hoàn thiện cải tạo kỹ thuật, quận sẽ lát hè đá tự nhiên lòng đường, vỉa hè, đường dạo tạo thuận lợi kinh doanh dịch vụ, đi bộ, vui chơi giải trí; trồng bổ sung cây xanh bảo đảm mật độ 5m/cây, bó bồn cây bằng đá tự nhiên, xây dựng ghế ngồi bằng nhựa giả gỗ ngoài trời hoặc đá tự nhiên, bổ sung dải cây xanh, vật kiến trúc trang trí; lắp đặt trang thiết bị đô thị như ghế ngồi, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng; lắp đặt đèn chiếu sáng đường dạo; cổng chào phố đi bộ.

Đáng chú ý, với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất xưa, công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị được quận Ba Đình quan tâm đến những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ Đường. Giảng Võ Đường là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến tại kinh thành Thăng Long xưa. Di tích Giảng Võ Đường thời Hậu Lê được xác định nằm trên địa bàn các phường Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình ngày nay.

Dự kiến, dự án cải tạo hạ tầng, chỉnh trang đô thị tại khu vực hồ Ngọc Khánh sẽ bắt đầu thi công vào ngày 15/7/2024. Khi đi vào hoạt động, khu phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ có 118 đơn vị cơ sở kinh doanh mới, gồm: các đơn vị kinh doanh vỉa hè mở, các điểm ngắm cảnh có quầy hàng lưu động bố trí trên tuyến phố, các cơ sở mở rộng hoạt động kinh doanh; nhờ đó sẽ tạo thêm việc làm cho nhiều người dân.

Tại quận Đống Đa, UBND quận Đống Đa, TP Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức lập các không gian văn hóa, tuyến phố chuyên kinh doanh, phố đi bộ trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm 2023 quận Đống Đa sẽ lập đề án triển khai tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông.

Các tuyến phố đi bộ, ẩm thực trên liên quan đến địa giới hành chính của 7 phường: Văn Miếu, Văn Chương, Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Ô Chợ Dừa, Cát Linh và Ngã Tư Sở. Để có căn cứ xây dựng đề án, quận Đống Đa sẽ tổ chức khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm tại phố đi bộ Hồ Gươm, phố quanh thành cổ Sơn Tây và phố Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh).

Hiện tại, TP Hà Nội đã có các phố đi bộ, gồm: không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội), phố Trịnh Công Sơn, phố quanh thành cổ Sơn Tây, phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Trong số các tuyến phố đi bộ trên, các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm có lợi thế vị trí trung tâm và hình thành từ lâu nên thu hút đông người dân và du khách. Tuyến phố quanh thành cổ Sơn Tây cũng được đánh giá thành công khi sau 1 năm hoạt động thu hút 42.000 lượt khách.