Phi hành gia người Mỹ Frank Rubio (47 tuổi) của NASA đã về đến Trái đất vào tối 27/9, sau nửa năm bị kẹt lại Trạm không gian quốc tế (ISS), ông đã phá kỷ lục là phi hành gia Mỹ ở lâu nhất trên vũ trụ, hãng thông tấn AP đưa tin.
Frank Rubio lên ISS từ tháng 9/2022, ông là người Mỹ đầu tiên, và là một trong bảy người trên thế giới, trải qua 371 ngày trong môi trường vi trọng lực, trở thành phi hành gia Mỹ làm nhiệm vụ lâu nhất trên vũ trụ.
Cùng với Frank Rubio, hai phi hành gia khác là Sergey Prokopyev và Dmitry Petelin cũng phá kỷ lục về quãng thời gian phi hành gia Nga lưu lại ISS, theo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos).
Hai phi hành gia này lên ISS vào tháng 9/2022 cùng Frank Rubio, và thời gian lưu trú của họ tại đây ban đầu dự kiến kéo dài đến tháng 3/2023 để một nhóm phi hành gia khác lên thay.
Tập đoàn vũ trụ của Nga Roscosmos cho biết ngày 27/9, tàu Soyuz MS-23 bắt đầu rời ISS, bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất, sau đó lao xuống bầu khí quyển lúc 10h55 GMT cùng ngày (tức 17h55 giờ Hà Nội).
Ngay sau khi đi vào bầu khí quyển, tàu bung dù và hạ cánh xuống vùng thảo nguyên của Kazakhstan lúc 11h17 GMT (tức 18h17 theo giờ Hà Nội). "Thật tốt khi được về nhà", phi hành gia Frank Rubio nói sau khi được kéo ra khỏi khoang chứa.
AP cho hay Rubio nói nếu từ đầu biết mình sẽ phải ở trong không gian cả năm, chắc chắn ông sẽ không đồng ý. Ông nuối tiếc khi bỏ lỡ những cột mốc quan trọng của gia đình, trong đó có việc con gái đầu lòng học xong năm nhất tại Học viện Hải quân Mỹ và một người con khác đang chuẩn bị tới West Point.
Dù vậy, việc bị kẹt lại ISS đã giúp Rubio phá kỷ lục ở 355 ngày liên tục trên vũ trụ của người đồng nghiệp và đồng hương hiện đã nghỉ hưu, ông Mark Vande Hei. Rubio cũng trở thành người Mỹ đầu tiên dành trọn một năm trên không gian. Đáng chú ý đây cũng là chuyến thám hiểm vũ trụ đầu tiên của phi hành gia này.
Tuy nhiên, Rubio và các đồng nghiệp người Nga vẫn còn cách xa kỷ lục của phi hành gia Nga Valeri Vladimirovich Polyakov, người từng sống và làm việc liên tục trong 437 ngày, 17 giờ, 58 phút và 17 giây trên Trạm vũ trụ Hòa bình (Mir). Trạm này hiện đã bị tháo dỡ và ông Polyakov đã qua đời ở tuổi 80.