Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: sẽ thu thuế VAT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã đề xuất đánh thuế hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ vào quy định luật.…

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến hàng hóa giá rẻ nước ngoài "xé lẻ" đơn hàng dưới 1 triệu đồng để tránh thuế khi về Việt Nam.

Hàng hóa giá trị nhỏ đều phải nộp thuế

Giải trình làm rõ nội dung, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng là luật hết sức quan trọng và có tác động đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, cho nên nhiều nội dung phải thay đổi theo đúng sự vận hành của nền kinh tế - xã hội đang thay đổi hằng ngày.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ nội dung. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ nội dung. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, về thuế giá trị gia tăng (VAT) hàng hóa nhỏ, việc này đã thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Tokyo mà Việt Nam tham gia, sau đấy được cụ thể hóa tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTG và đã đưa vào quy định tại Dự thảo Luật. Cho nên đối với hàng hóa trị giá nhỏ đều phải nộp thuế. Ví dụ như hàng hóa nhỏ bán qua sàn thương mại điện tử Temu đại biểu đang quan tâm, tức là các loại hàng hóa nhỏ trị giá dưới 1 triệu đồng. Hiện nay, các sàn thương mại điện tử đang tận dụng Quyết định 78/2010/QĐ-TTG để thực hiện bán hàng giá rẻ.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An) cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh. Nếu xét về từng đơn hàng thì giá trị nhỏ, tuy nhiên, nếu xét về tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thì không hề nhỏ. Do đó, nếu tiếp tục miễn thuế đối với loại hàng hóa này sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng lo ngại có tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế. Khi miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế. Từ đó, đại biểu đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Áp thuế VAT 5% với phân bón

Về thuế VAT với phân bón, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước năm 2015, theo quy định của luật, thuế VAT phân bón là 5%. Sau khi có nhiều ý kiến phản ảnh, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 cho đến nay, phân bón không phải chịu thuế VAT.

Hiện nay, theo đề nghị của các Bộ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, Hiệp hội phân bón, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang… đề nghị phải sửa nội dung này.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà giá phân bón phụ thuộc vào giá thành sản xuất, phụ thuộc vào thị trường, phục thuộc vào cung cầu. Vì vậy, nếu chúng ta cố định tất cả các loại chi phí lãi thì thuế sẽ đảm bảo giá phân bón tăng hay giảm. Nhưng, thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, năng suất lao động, cung cầu...

Về lợi ích của doanh nghiệp. Khi chúng ta đưa thuế vào thì đúng là tăng giá. Tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu, mà giá nhập khẩu thì có nghĩa là doanh nghiệp trong nước của chúng ta sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước. Vì vậy, khi giá nhập khẩu tăng lên, doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Như vậy, doanh nghiệp của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ đồng vì hàng hóa nhập vào nhiều, doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ đồng, để các đại biểu thấy rằng lợi ích để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước là rất tốt và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

“Như vậy, sẽ giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón. Chúng tôi mong đề nghị đại biểu ủng hộ cho phương án như đã trình, tức là thuế suất 5% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giá” - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trước đó, thảo luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cho rằng, đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường, tạo ra tác động không hề nhỏ với ngành nông nghiệp và nông dân. "Nếu áp dụng thuế suất 5% với phân bón, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại chịu thiệt thòi nhất" - đại biểu Lê Thị Song An bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, hiện nay thuế VAT đang đánh vào người tiêu dùng trong đại bộ phận người dùng phân bón, thực phẩm, nông sản. Vì vậy, đề xuất này cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng…