Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý, sử dụng pháo: Hiểu đúng, nắm rõ để tránh vi phạm

Hồng Thái – Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người hiểu nhầm, chưa phân biệt được các loại pháo và các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Từ những mơ hồ đó, người dân rất dễ vi phạm pháp luật khi sử dụng pháo.

Hà Nội xét xử điểm 3 vụ buôn bán pháo nổ

Nhằm cảnh cáo răn đe và phòng ngừa chung với hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ dịp Tết Nguyên đán, ngày 6/2, TAND huyện Gia Lâm đã xét xử cùng lúc 3 vụ án buôn bán, vận chuyển hàng cấm là pháo nổ với số lượng lớn lên tới 300kg. Sau quá trình xét xử, TAND huyện Gia Lâm đã tuyên án phạt 6 bị cáo trong 3 vụ án này gồm: Nguyễn Văn Tùng (20 tuổi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) 30 tháng tù; Vi Hồng Giáp (37 tuổi, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) 8 năm tù; Phạm Bá Dũng (34 tuổi, TP Lạng Sơn) 8 năm tù; Đào Mạnh Phong (44 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) 5 năm tù; Nguyễn Thị Phương (51 tuổi, trú tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) 13 tháng; Lại Phồng Làn (53 tuổi, trú tại TP Lạng Sơn) 12 tháng về các tội: “Buôn bán hàng cấm”, “Vận chuyển hàng cấm”.

TAND huyện Gia Lâm xét xử cùng lúc 3 vụ án buôn bán, vận chuyển hàng cấm là pháo nổ 

Theo bản án sơ thẩm, cuối tháng 12/2020, Tùng được một phụ nữ đặt mua 18 hộp pháo, 4 dây pháo nổ (loại dây 10m) và Tùng đồng ý. Sau đó, Tùng đi đặt mua số lượng hộp pháo và dây pháo nổ nói trên (có tổng khối lượng là 33 kg) để bán cho người phụ nữ này. Ngày 4/1/2021, khi Tùng đang đứng đợi để giao pháo cho khách thì bị cơ quan công an kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.

Vụ án thứ 2, theo cáo trạng, 2 bị cáo Vi Hồng Giáp và Phạm Bá Dũng bàn bạc, rủ nhau mua 252 kg pháo hoa nổ với số tiền 72 triệu đồng để bán lại kiếm lợi bất chính. Sau đó, Giáp thuê Phong vận chuyển số pháo hoa nổ này để đi bán thì bị cơ quan công an bắt giữ cùng vật chứng tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm. Trong vụ án này, Giáp là người khởi xướng còn Dũng là người thực hiện hành vi giúp sức tích cực.

Vụ án thứ 3, TAND huyện Gia Lâm xác định, trưa 15/12/2020, Làn và Phương rủ nhau đi mua gần 14 kg pháo về để bán kiếm lời thì bị cơ quan công an kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Tại phiên tòa, các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện với khối lượng pháo nổ lớn. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước trong quản lý một số loại hàng cấm trong đó có các loại pháo, các bị cáo đã vì mục đích vụ lợi mà vi phạm pháp luật, bất chấp hậu quả nguy hiểm có thể gây ra cho cộng đồng xã hội.

Nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 24/12/2020 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn TP, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP đã chủ trì, phối hợp với Công an TP biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo đến người dân. Tài liệu nêu rõ nhóm các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý và sử dụng pháo (theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021).

Cụ thể: Nghiêm cấm việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Nghiêm cấm việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo. Nghiêm cấm việc mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. Nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tang vật một vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ bị cảnh sát phát hiện, thu giữ 

Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường. Nghiêm cấm chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo. nghiêm cấm việc giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định. Nghiêm cấm việc hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Về trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi đốt pháo nổ, người đốt pháo nổ có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, phạt tù lên đến 7 năm. Thậm chí, người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật Hình sự, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.

Ngoài ra, người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”; ngoài phạt tiền, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân...

Phân biệt các loại pháo để tránh hiểu nhầm

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh - Giảng viên Đại học PCCC cho biết, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định rõ về pháo nổ: Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trong mọi trường hợp; Pháo hoa nổ: Cơ bản cấm như pháo nổ, trừ trường hợp, tổ chức, DN thuộc Bộ quốc phòng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng theo quy định tại Nghị định này.

Đối với pháo hoa nổ, các cơ quan, tổ chức và cá nhân cần hiểu rõ, theo Nghị định 137 thì pháo hoa được hiểu là “sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Còn pháo hoa nổ là một loại pháo nổ, được hiểu là “sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian”, đây là loại pháo cấm tuyệt đối người dân sử dụng, nếu người dân sử dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

Như vậy loại pháo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì mới được sử dụng pháo hoa. Trên thực tế, so với Nghị định 36 thì Nghị định 137 vẫn giữ nguyên quy định và không cho phép cá nhân sử dụng pháo hoa nổ vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi...

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, người dân cần phân biệt khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Năm nay Nhà nước cho phép DN thuộc Bộ Quốc phòng, sản xuất và kinh doanh pháo hoa không gây nổ bán cho người dân. Tuy nhiên, người dân cũng cần phòng tránh cháy nổ cẩn thận khi đốt pháo hoa.

Nghị định 137/2020/NĐ-CP nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa các loại pháo, tránh vi phạm pháp luật.

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an

Quản lý, sử dụng pháo: Hiểu đúng, nắm rõ để tránh vi phạm - Ảnh 3