Điển hình như mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã phá đường dây cho vay nặng lãi online do nhóm đối tượng người Trung Quốc chủ mưu tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi, với lãi suất 2.346,4%/năm, tổng số tiền giao dịch 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng.
Đường dây hoạt động với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài chủ mưu cầm đầu và người Việt Nam giúp sức, gây nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra.
Hay mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ khẩn cấp Ngô Thiên Thạch (tự Thịnh, 30 tuổi) và Tống Minh Hải (27 tuổi) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Nhóm của tên Thạch cho nhiều người vay nặng lãi. Nếu ai vay không trả nợ đúng hạn hoặc bỏ trốn, trì hoãn nợ, nhóm của Thạch sẽ chửi bới, đe dọa, khóa cửa nhà, tạt sơn… để gây áp lực khiến người vay hoặc người thân của họ phải trả tiền.
Đây là điều đáng mừng, vì mỗi một đường dây bị phá sẽ có thêm nhiều người không phải lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí, không vì nợ mà tìm đến cái chết hoặc gây tội như cướp giật, trộm cắp…
Mọi biện pháp để giảm thiểu tệ nạn cho vay nặng lãi đã được cơ quan chức năng đề ra cũng như thực hiện. Tuy nhiên, điều chúng tôi đáng ngạc nhiên là tệ nạn này lại được quảng cáo nhiều ở các trên trang mạng xã hội dưới hình thức “giúp đỡ vốn”, cho “vay dễ dàng và lãi nhẹ”…
Ở trên nhiều trang Facebook cá nhân, chúng tôi thường gặp kẻ cho vay (không đề rõ lãi suất) quảng cáo cho vay tiền, liên kết (link) với nhiều trang cá nhân đã kết bạn với người cho vay. Nhiều người do nể nang nên vẫn để lời quảng cáo này trên trang của mình. Người khó tính liền hủy kết bạn, thậm chí chặn.
Điều đáng lo là, kẻ cho vay còn tận dụng cả những trang cá nhân của trẻ em, độ tuổi ngây thơ chưa hiểu nhiều chuyện xã hội.
Gần đây, chúng tôi đọc trang Facebook của đứa cháu mới 13 tuổi. Đọc trang này, chúng tôi ngạc nhiên vì trang đăng đầy quảng cáo “hỗ trợ vốn”, “lãi suất thấp”, “người cho vay uy tín”…
Chưa kể, như báo chí đưa tin, nhiều kẻ còn lập những trang Facebook ảo cho vay tiền nhưng thực ra là lừa đảo.
Chúng tôi không hết băn khoăn vì hình như những kẻ cho vay nặng lãi quy mô lớn, có tổ chức đang bị triệt phá, còn những kẻ “làm ăn” nhỏ vẫn chưa bị “sờ gáy”?
Đặc biệt, không hiểu tại sao các trang mạng xã hội không tìm cách kiểm tra để ngăn chặn những tệ nạn xã hội đội lốt “hỗ trợ”, “giúp” vốn?
Trước hết, chúng tôi mong mọi người cần cảnh giác việc cho vay trên các trang mạng xã hội. Nếu thiếu tiền, chúng ta nên tìm đến các tổ chức tín dụng hợp pháp của Nhà nước; của xã, phường, thị trấn…
Cuối cùng, chúng tôi mong mỏi, các cơ quan chức năng, ngoài việc triệt phá những tổ chức, đường dây cho vay nặng lãi lớn (điều đáng hoan nghênh), cũng cần kiên quyết với các đối tượng cho vay nặng lãi khác.