Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Nhiều ý kiến về xả thải của nhà máy Bột- Giấy VNT19.

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vấn đề liên quan đến thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19 được các nhà khoa học, chính quyền và địa phương, người dân đưa ra phản biện, góp ý.

Sáng 6/4, Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19 (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Hội nghị tư vấn, phản biện do Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức.
Hội nghị tư vấn, phản biện do Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức.

Nhà máy Bột - Giấy VNT19 là một trong những nhà máy bột giấy có quy mô lớn nhất Việt Nam, dự kiến sử dụng gần 117 ha đất, công suất thiết kế 350 nghìn tấn/năm (giai đoạn I). Hàng năm, nhà máy sử dụng khoảng 550 nghìn tấn dăm gỗ khô, tương đương 1,1 triệu tấn gỗ keo tươi, bằng khoảng 45% công suất xuất khẩu gỗ dăm qua cảng Dung Quất.

Tại buổi tư vấn, phản biện, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định, dự án đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hạng mục đánh giá tác động môi trường; tiếp thu và thực hiện theo các yêu cầu của các cơ quan chức năng về bổ sung phương pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố đảm bảo an toàn cho môi trường khi nhà máy vận hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tính toán, cân nhắc.

Thạc sĩ Trần Đông Phong - Tổng thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam.
Thạc sĩ Trần Đông Phong - Tổng thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam.

Thạc sĩ Trần Đông Phong - Tổng thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, đối với nhà máy Bột- Giấy VNT19, vấn đề liên quan môi trường nhiều nhất chính là nước thải, chủ yếu là trong quá trình tẩy trắng, do đó hệ thống xử lý rất quan trọng.

“Vịnh Việt Thanh rất nhạy cảm, yêu cầu cần phải giám sát chặt chẽ trước khi xả thải, vị trí thực hiện có đảm bảo khoảng cách theo quy định không? Bên cạnh đó, cần tính toán diện tích hồ sinh học vì so với công suất xả thải 50.000m3 thì diện tích này chưa đảm bảo”, Thạc sĩ Trần Đông Phong bày tỏ.

Theo ông Thới Văn Kim – Bí thư chi bộ thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị), khu vực biển ở Bình Trị có nhiều cá cơm, ruốc… Đây là sinh kế của người dân địa phương, do đó cần tính toán kỹ khoảng cách từ bờ đến vị trí xả thải.

Dự án nhà máy Bột- Giấy VNT19 dự kiến xả thải ra vịnh Việt Thanh. 
Dự án nhà máy Bột- Giấy VNT19 dự kiến xả thải ra vịnh Việt Thanh. 

“Đường ống nước xả thải ra vịnh Việt Thanh còn ngắn, cần đưa từ 1.000m cách bờ lên 1.500m để dòng nước khuếch tán nhiều hơn, loãng hơn, tránh ảnh hưởng đến khai thác nguồn lợi thủy sản, khu vực tắm biển của người dân. Nên xây dựng hồ kiểm chứng ngay trên động cát sát bãi biển để bà con cộng đồng dễ giám sát hơn”, ông Kim nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến phản biện tại hội nghị cũng cho rằng, nhà máy cũng cần phải có cam kết với địa phương và người dân việc xả thải không ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản ven bờ; tổ chức đối thoại, lấy ý kiến nhân dân để chuyển tải thông tin liên quan đến môi trường, tạo niềm tin cho nhân dân.

Để nhà máy sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo huyện Bình Sơn đề nghị Công ty CP Nhà máy Bột – Giấy VNT19 giải trình làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa, cam kết, hoàn thiện đối với những nội dung góp ý của Hội đồng tư vấn phản biện. Chú ý lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ và quy trình xử lý nước thải hoặc bố trí lại mặt bằng khu xử lý nước thải nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

Nhà máy Bột – Giấy VNT19.
Nhà máy Bột – Giấy VNT19.

Được biết, cách đây 4 năm (khoảng tháng 5/2017), trong quá trình bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy Bột-Giấy VNT19, người dân và chính quyền địa phương của tỉnh đã bày tỏ lo ngại, phản ứng về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc xây dựng và xử lý nước thải của dự án này.