Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Trị - Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, hỗ trợ người dân phòng chống bão Noru

Minh Tân - Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (bão Noru), các tỉnh miền Trung đã triển khai khẩn cấp lực lượng và hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó.

Giúp dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản

Ngày 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã ban hành Công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đình hoãn những cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số phương tiện và lao động trên đã được lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương kêu gọi vào bờ, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh bão an toàn.

Công an Thừa Thiên Huế giúp người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão Noru đổ bộ.
Công an Thừa Thiên Huế giúp người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão Noru đổ bộ.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động 380 cán bộ chiến sĩ và 18 phương tiện thường trực, sẵn sàng ứng phó với mưa bão; kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn; tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; rà soát các điểm xung yếu ở khu vực biên giới để nắm chắc tình hình; giúp dân chằng chống nhà cửa, kịp thời di dời người dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Công an các huyện: Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và TP Huế phối hợp các ban ngành tổ chức điều hoà, hướng dẫn giao thông trên những tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở. Các lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẵn sàng công tác ứng cứu. Phòng Hậu cần Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động đảm bảo vật tư, phương tiện hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Ghi nhận tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), đây là một trong những xã nằm ở vùng xung yếu. Xã Phú Thuận có 71 hộ, 322 nhân khẩu, trong đó 22 hộ thuộc diện cần di dời khẩn cấp đến vùng an toàn.

Trong ngày 26/9, Công an xã Phú Thuận phối hợp với bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương khảo sát các địa điểm tránh trú bão; sắp xếp, bố trí lương thực thực phẩm, thuốc men và đến từng hộ tuyên truyền, vận động đưa người dân di dời đến nơi an toàn.

Lực lượng biên phòng Thừa Thiên Huế cùng người dân đưa thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.
Lực lượng biên phòng Thừa Thiên Huế cùng người dân đưa thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

Còn tại xã Phú Hải (huyện Phú Vang), 113 tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão. Lực lượng chức năng địa phương hướng dẫn, phối hợp với gia đình chủ tàu triển khai các phương án đảm bảo an toàn tài sản trên tàu, ghe không để đối tượng xấu lợi dụng trộm cắp trong thời gian đi tránh trú bão.

Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn, thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27 - 28/9.

Kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó tại các địa phương

Tại Quảng Trị, trong chiều 26/9, đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng trong công tác ứng phó bão Noru.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng lưu ý, rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai mưa lũ lịch sử trong những năm gần đây, công tác phòng, tránh bão không chỉ trên biển mà chú trọng, quyết liệt ở vùng núi cao nguy cơ sạt lở. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác neo đậu tại các bến, đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng, địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác neo đậu tại các bến, đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng, địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu địa phương thành lập các tổ đội bảo vệ tài sản cho ngư dân khi đã vào bờ tránh trú bão, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung. Đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, sẵn sàng tham gia khi có tình huống phức tạp nảy sinh.

Đặc biệt, cần đề phòng ảnh hưởng của bão thường đi kèm với mưa lũ gây sạt lở núi khó lường. Bên cạnh công tác di dân, lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai chốt chặn, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét... không chủ quan, lơi là trước và sau khi bão Noru đi qua.

Hiện, toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã vào nơi tránh trú an toàn.
Hiện, toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã vào nơi tránh trú an toàn.

Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: Nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trạm y tế, đồn biên phòng, nhà cộng đồng...

Hiện, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh với hơn 2.300 chiếc, trên 6.100 lao động cùng 16 thuyền/126 lao động ngoại tỉnh đã vào neo đậu tại các bến trong chiều 25/9.