Sẽ "áp tuổi" cho nhập khẩu máy móc cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đó thiết bị máy móc cũ được đưa về Việt Nam không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

Mới đây, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Thông tư 20 này đã ra đời vào năm 2014 nhưng ngay sau đó phải tạm dừng hiệu lực thi hành để sửa đổi do nhận phải sự phản ứng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Qua 9 lần dự thảo, Thông tư sửa đổi Thông tư 20 đã tăng tuổi của thiết bị, máy móc nhập khẩu từ không quá 5 năm lên 10 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Đây cũng chính là điểm bị các doanh nghiệp phản đối nhiều nhất ở Thông tư 20. Bởi thông thường vòng đời của các máy móc, thiết bị này thường khá dài từ 5 - 15 năm.
Ngay từ khi ra đời Thông tư 20 đã gặp nhiều phản ứng từ phía doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Ngay từ khi ra đời Thông tư 20 đã gặp nhiều phản ứng từ phía doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, các máy móc, thiết bị này phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Còn các tiêu chí chất lượng khác ở Thông tư 20 đã được loại bỏ ở Thông tư sửa đổi.

Đối với các doanh nghiệp FDI, nếu dây chuyền máy móc, thiết bị nhập khẩu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt từ khâu dự án theo quy định của Luật Đầu tư sẽ không phải áp dụng điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư sửa đổi.

Tuy nhiên, nếu máy móc, thiết bị được nhập khẩu theo dạng này sẽ không được phép bán hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp hoặc dự án khác. Điều này sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để đưa thiết bị cũ vào Việt Nam

Dự kiến, Thông tư sửa đổi Thông tư 20 sẽ được bán hành vào cuối quý 3/2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016. Đây là văn bản cần thiết nhằm hạn chế việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, tránh nguy cơ Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.