Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng cuối năm: Hàng hóa dịch vụ có xu hướng tăng giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn ổn định nhưng giá các mặt hàng thực phẩm thời gian qua bị tác động nhiều bởi diễn biến của thời tiết và dịch bệnh. Giá thủy sản có xu hướng tăng do tình hình mưa lũ và nhu cầu cho xuất khẩu cuối năm tăng.

KTĐT - Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn ổn định nhưng giá các mặt hàng thực phẩm thời gian qua bị tác động nhiều bởi diễn biến của thời tiết và dịch bệnh. Giá thủy sản có xu hướng tăng do tình hình mưa lũ và nhu cầu cho xuất khẩu cuối năm tăng.

Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo, trong tháng 12/2009, một số yếu tố sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới xu hướng tăng giá hàng hóa dịch vụ như việc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục tăng ở mức cao.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỉ giá USD/VND sẽ tác động tới nhiều loại hàng hóa nhập khẩu hoặc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu; tác động của tăng giá xăng dầu cuối tháng 11 tiếp tục ảnh hưởng tới giá cước vận tải, vận chuyển và các hàng hóa khác; lãi suất cơ bản tăng từ 7 lên 8% áp dụng từ 1/12 sẽ tác động tới lãi suất huy động và cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, giá lương thực vẫn trong xu hướng tăng; sức mua trên thị trường sẽ tăng cao theo quy luật thông thường các năm và do nhu cầu mua hàng hóa dự trữ và phục vụ Tết.

Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn việc lạm dụng tăng giá quá mức, bất hợp lý và với nguồn cung nhiều loại hàng hóa trên thị trường dồi dào, cũng như các hoạt động khuyến mại, giảm giá trên cả nước nên mức tăng giá hàng hóa vẫn trong vòng kiểm soát.

Giá lương thực sẽ đứng ở mức cao

Tại thị trường miền Nam, do nhu cầu thu mua phục vụ xuất khẩu tăng mạnh và được giá trong khi lượng lúa gạo trong dân không nhiều nên giá lúa, gạo trong nước tăng cao khoảng 1.000-1.700đ/kg, hiện phổ biến ở mức 5.000-6.000đ/kg với thóc tẻ khô và 8.000-8.800đ/kg với gạo tẻ thường.

Tại miền Bắc, thời tiết thuận lợi cho cây trồng vụ đông, các địa phương sắp thu hoạch xong lúa mùa và gieo cấy cây vụ đông. Trên thị trường, mặc dù nguồn cung thóc gạo không khan hiếm nhưng giá lúa gạo tăng mạnh theo biến động từ các tỉnh phía Nam. Giá thóc tẻ thường phổ biến ở mức 4.800-5.500đ/kg, giá gạo tẻ thường từ 7.000-10.000đ/kg.

Tổ điều hành thị trường dự báo, dù giá lúa gạo trong nước đang ở mức khá cao nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đang tích cực triển khai các biện pháp chủ động ứng phó khi thị trường lương thực có biến động bất thường nên giá lúa gạo thời gian tới sẽ không còn tăng mạnh mà sẽ đứng ở mức cao như hiện nay.

Thực phẩm tăng giá nhẹ

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn ổn định nhưng giá các mặt hàng thực phẩm thời gian qua bị tác động nhiều bởi diễn biến của thời tiết và dịch bệnh. Giá thủy sản có xu hướng tăng do tình hình mưa lũ và nhu cầu cho xuất khẩu cuối năm tăng.

Tôm sú nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 11 tăng khoảng 10.000-20.000đ/kg so với tháng trước, với mức giá khoảng hơn 110.000đ/kg. Bên cạnh đó, giá xăng tăng đã đẩy giá các loại rau, củ tăng nhẹ. Nhiều loại rau tăng từ 500-1.000 đ/kg.

Trong tháng 12, thời tiết còn diễn biến bất thường, nguồn cung về thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu nhưng giá thực phẩm vẫn có xu hướng tăng nhẹ.

Thép xây dựng trở lại xu thế tăng

Sau khi giảm trong tháng 10 và đầu tháng 11, trước sức ép cạnh tranh từ thép nhập khẩu và nhu cầu giảm, từ giữa tháng 11 trở lại đây, giá bán thép trong nước đã tăng từ 50.000- 00.000đ/tấn do nhu cầu tăng trở lại, biến động tỷ giá ngoại tệ và điều chỉnh tăng giá xăng dầu tác động tới chi phí đầu vào.

Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, hiện giá bán tại nhà máy của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với tổng công ty dao động theo các mức sau, phía Bắc từ 11,2-11,45 triệu đồng/tấn (tăng từ 50.000-150.000đ/tấn so với giữa tháng 11); phía Nam từ 11,02-11,52 triệu đồng/tấn (tăng 200.000đ/tấn so với giữa tháng 11).

Giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường cũng có xu hướng tăng nhẹ, dao động từ 11,6-12,8 triệu đồng/tấn. Tổ điều hành dự báo, tháng 12, giá bán thép trong nước tiếp tục tăng nhẹ do tác động của chi phí đầu vào và do vào mùa xây dựng, giá nguyên liệu nhập khẩu có xu hướng tăng nhẹ./.