Thiếu sản phẩm để kết nối tour di sản

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có nhiều tour di sản. Tuy nhiên, việc phát triển, kết nối các tour du lịch di sản còn hạn chế. Về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng.

Hà Nội có nhiều tour du lịch di sản. Tuy nhiên các tour còn chưa có tính kết nối. Theo ông, tour du lịch di sản của Hà Nội có những ưu điểm, hạn chế nào?

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng

- Hà Nội có rất nhiều tiềm năng phát triển tour du lịch di sản. Hiện nay, tour du lịch di sản ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long thu hút nhiều khách du lịch.

Việc khách du lịch phần lớn tập trung vào các di sản là tốt, nhưng theo tôi, di sản nào cũng có sức chứa nhất định để phát triển di sản bền vững, vừa thu hút du khách, vừa có điều kiện phù hợp để bảo tồn, phát huy giá trị.

Đặt vấn đề sức chứa không phải để hạn chế nguồn thu (vé vào cổng hiện nay chỉ 30.000 – 40.000 đồng). Hiện nay, sức chứa của điểm du lịch và việc tối ưu nguồn thu với di sản là vấn đề còn chưa rõ.

Vậy để thu hút khách du lịch đến nhiều điểm, kết nối tour du lịch di sản của Hà Nội, vấn đề chính đặt ra là gì, thưa ông?

- Thứ nhất, chúng ta cần có các chương trình du lịch để kết nối các điểm. Chương trình này cần có chủ đề về di sản với những ý tưởng hay, câu chuyện hấp dẫn, gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Với lịch sử ngàn năm văn hiến, du lịch Hà Nội có nhiều nét đặc trưng, hấp dẫn du khách về phong tục tập quán, nghệ thuật, nét thanh lịch, văn minh của người Tràng An. Ở phạm vi nhỏ hơn, mỗi quận, huyện của Hà Nội có những con người với phong tục, tập quán khác nhau. Theo tôi, để kết nối di sản mỗi nơi phải xây dựng được một chương trình du lịch di sản đặc trưng của từng nơi.

Thứ hai, mỗi di sản đều có giá trị, nhưng để phát huy giá trị đó trở thành sản phẩm du lịch cần phải có nguồn nhân lực sáng tạo để thực hiện.

Hiện nay, nhiều di sản thu hút khách chỉ vì giá trị vốn có. Nhưng nếu nhiều di sản xây dựng được các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, khách du lịch sẽ có nhiều tour để lựa chọn, nguồn thu du lịch ở Hà Nội sẽ tăng trưởng. Bài toán đặt ra là muốn kết nối tour di sản thì cần có nhân lực sáng tạo ra các sản phẩm du lịch để hấp dẫn khách.

Thứ ba, tâm lý, nhu cầu của khách du lịch giờ không như trước đây. Trước đây, khách du lịch thường thụ động, đi số đông, tham quan theo sự hướng dẫn. Nhưng hiện nay, khách du lịch thường đi nhóm nhỏ để trải nghiệm.

Vì vậy, để kết nối di sản cần tạo ra những trải nghiệm trong không gian di sản, tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch. Để kết nối di sản, các hoạt động trải nghiệm ở từng nơi phải logic với nhau, tránh sự trùng lặp.

Thứ tư, trong thời đại số, phải ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch để phát huy giá trị di sản, tạo ra phương tiện giúp khách thuận lợi tìm hiểu. Ví dụ: di sản cần có công nghệ để quảng cáo từ xa trên môi trường số. Từ những trải nghiệm qua công nghệ, khách mong muốn đến tận nơi để tham quan. Hiện nay, chúng ta chưa ứng dụng công nghệ đồng bộ để kết nối tour di sản.

Thứ năm, nếu di sản chỉ phục vụ khách nghiên cứu thì chỉ cần những cán bộ chuyên về văn hóa. Nhưng để phục vụ, kết nối tour di sản cần sự phối hợp đơn vị quản lý di sản với các đơn vị lữ hành để nhìn từ hai phía. Có như vậy, tour du lịch di sản mới kết nối được với nhau.

Thưa ông, cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, TP Hà Nội hiện nay đã thuận lợi để các đơn vị quản lý di sản, DN lữ hành, hoạt động trong lĩnh vực du lịch tổ chức, khai thác, kết nối các tour di lịch di sản hay chưa?

- Tôi cho rằng cơ chế, chính sách, quy định chuyên ngành của Nhà nước, TP Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Nhưng trên thực tế, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý di sản, văn hóa với DN lữ hành, hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách là cần sản phẩm hấp dẫn.

Ở Hà Nội, khách du lịch chủ yếu đến các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa. Nhưng ngay ở trung tâm, hoạt động du lịch cũng chỉ ở một số điểm di sản. Riêng hệ thống bảo tàng ở Hà Nội, ngoài Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, nhiều nơi vẫn còn vắng.

Mặt khác, nhiều nơi, hoạt động du lịch chỉ vào thời vụ. Như chùa Hương, phần lớn hoạt động du lịch tập trung vào dịp đầu năm, tham gia các hành trình tâm linh mùa lễ hội. Nhưng ở chùa Hương còn nhiều cơ hội thuận lợi về cảnh quan, văn hóa chưa khai thác hết.

Rõ ràng, để phát huy, kết nối các tour du lịch di sản, ngoài chính sách cần một cú hích về hợp tác giữa nơi quản lý các điểm với DN lữ hành dựa trên nhu cầu khách.

Du lịch đang dần phục hồi, bắt đầu phát triển, cùng với đó, lượng khách sẽ tăng lên. Nếu không có sự kết nối, khách du lịch sẽ dồn hết vào một số điểm di sản. Sức chứa các di sản sẽ quá tải, không bảo đảm chất lượng. Do vậy, thời gian tới, các điểm di sản cần có sự chuẩn bị, tăng cường quảng bá, kết nối để giảm tải cho các điểm đông.

Chúng ta không bao giờ nên dồn khách vào một vài điểm di tích. Chúng ta cần làm thế nào để khách đi nhiều điểm du lịch đang không nổi tiếng nhưng họ vẫn hài lòng. Để khách du lịch thấy rằng, Hà Nội không chỉ có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, 36 phố phường mà còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác chưa đi hết, để khách đến Thủ đô một lần vẫn muốn quay lại.

Xin cảm ơn ông!