Tại một vùng đất trống bụi bặm ở Litva, những tiếng súng lớn vang lên báo hiệu NATO đang trong cuộc tập trận quy mô chưa từng có.
Xe tăng Leopard 2 bắn đạn với tiếng động chói tai, trong khi xe chiến đấu Puma góp phần tạo nên dàn đồng ca kỳ lạ, kèm theo tiếng vo vo của cánh quạt trực thăng.
Hỏa lực được phô diễn là đỉnh cao của cuộc tập trận huấn luyện quân sự lớn nhất của liên minh NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, do Đức dẫn đầu và diễn ra cách biên giới Litva với Belarus vài km.
Mục đích là để cho thấy khả năng NATO bảo vệ sườn phía Đông châu Âu khỏi nguy cơ tấn công, đưa ra sự trấn an cho các đồng minh và thông điệp cảnh báo tới Moscow.
Tướng Carsten Breuer, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết: “Cuộc tập trận hôm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng - một thông điệp răn đe tới Nga”.
Khoảng 90.000 binh sĩ từ 32 quốc gia thành viên đã tham gia các cuộc tập trận trong khuôn khổ cuộc tập trận Steadfast Defender trong vòng 6 tháng qua, trên bộ, trên biển và trên không.
Trong bối cảnh Ukraine vật lộn trên chiến trường thực sự, các cuộc tập trận ở sườn phía Đông càng tăng thêm ý nghĩa. Đây là tiền tuyến của NATO nếu chiến tranh tương tự nổ ra, theo Sky News.
Các quốc gia vùng Baltic bao gồm Litva nhận định Moscow là một trong những mối đe dọa an ninh và cũng lý giải việc Đức đồn trú khoảng 5.000 quân tại khu vực này trong vài năm tới.
Theo Đại tá Rimantas Jarmalavicius từ lực lượng vũ trang Litva, đó là một biện pháp ngăn chặn đáng hoan nghênh.
Đây là năm đầu tiên kể từ những năm 1990, gã khổng lồ châu Âu đáp ứng mục tiêu của liên minh NATO là chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy Berlin đặt quốc phòng thành ưu tiên hàng đầu, chính phủ đã công bố một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro ngay sau khi chiến tranh nổ ra.
Tuy nhiên, nhiều năm thiếu hụt ngân sách đồng nghĩa với việc Đức đang phải chạy đua với thời gian để trang bị cho quân đội thiếu đạn dược, vũ khí và binh lính sẵn sàng cho trong trường hợp chiến sự xảy ra.
Tướng Breuer giải thích: “Chúng ta có 5 đến 8 năm trước khi lực lượng của Nga có thể phục hồi tới mức có khả năng thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ NATO”.
“Đối với tôi, với tư cách là một quân nhân để phân tích, 5 đến 8 năm có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng trong 5 năm nữa”.
Và trên sân tập huấn quân sự, Đức cũng rất muốn chứng tỏ nước này có thể bảo vệ các quốc gia láng giềng bằng nhiều loại vũ khí ấn tượng.
Lần này chỉ là diễn tập, nhưng nếu bất kỳ thành viên NATO nào bị tấn công thì thông điệp rất rõ ràng và đoàn kết: sẽ không có trò chơi nào cả.