Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục xét xử vụ án “thông thầu” tại Sở Y tế TP Cần Thơ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vụ án “thông thầu”, nhiều lãnh đạo, cán bộ sở, ngành không bị xử lý hình sự, trong đó có 2 nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ là ông Võ Thành Thống và ông Lê Văn Tâm là những người ký các quyết định.

Ngày 10/2, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 20 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấụ thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32,6 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong vụ án này, HĐXX triệu tập bị hại là Sở Y tế TP Cần Thơ cùng 109 cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, như: UBND TP Cần Thơ, 2 nguyên Chủ tịch UBND TP…

Tại tòa, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi (SN 1964, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ) tiếp tục giữ lời khai do ông Võ Thành Thống (thời điểm làm Chủ tịch UBND TP Cần Thơ) đã tác động bà Phi cần giúp đỡ bà Hoàng Thị Thúy Nga (SN 1975, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group), nên bị cáo mới gặp, bàn bạc và cuối cùng công ty của bà Nga tham gia trúng các gói thầu. Bị cáo Lệ Phi cũng phủ nhận việc cáo trạng quy kết bị cáo nhận 3,2 tỷ đồng của bị cáo Thúy Nga.

Tương tự, bị cáo Cao Minh Chu (SN 1967, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ) cũng khai khi còn là phó Giám đốc, được bà Phi mời sang phòng thì đã thấy bà Nga cùng ông Nguyễn Viết Hồng (SN 1981, nguyên Giám đốc Kinh doanh khu vực Miền Tây - Công ty NSJ). Sau đó bà Phi có nói “sếp” chỉ đạo phải tạo điều kiện giúp đỡ công ty của bà Nga.

Còn cáo trạng xác định ông Võ Thành Thống là người đứng đầu UBND TP Cần Thơ, có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và quyết định chủ trương, bố trí vốn, quyết định đầu tư dự án. Quá trình thực hiện ông Thống đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng các sở, ngành lập hồ sơ, thẩm định chủ trương đầu tư, phân bổ vốn… theo quy định để HĐND TP Cần Thơ thông qua. Quá trình chỉ đạo, phê duyệt các văn bản chưa có căn cứ xác định ông Thống tác động đến cá nhân nào để làm sai khi thẩm định chủ trương đầu tư, dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán…

6 người ngồi hàng ghế đầu là các bị cáo được tại ngoại.
6 người ngồi hàng ghế đầu là các bị cáo được tại ngoại.

Tài liệu điều tra chỉ có lời khai của Bùi Thị Lệ Phi và Nguyễn Viết Hồng khai bà Nga có nhờ ông Thống tác động để bà Phi tạo điều kiện giúp công ty của Nga tham gia các gói thầu, nhưng Nga và ông Thống không thừa nhận, không có chứng cứ điện tử và chứng cứ vật chất chứng minh nội dung này. Đồng thời, không có cǎn cứ chứng minh Nga tác động để ông Thống làm việc với Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và đồng ý cho đầu tư hệ thống DSA hai bình diện. Do vậy, hành vi của ông Thống chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

Đối với ông Lê Vǎn Tâm (nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ), ký các quyết định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán khi dự án đã có quyết định đầu tư, bố trí vốn và quyết định đầu tư dự án đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Quá trình ký các văn bản, ông Tâm không thông đồng hoặc bị ai tác động, không được hưởng lợi ích vật chất. Vì vậy hành vi của ông Tâm chưa có cǎn cứ xử lý hình sự.

Cáo trạng cũng nêu một số cá nhân cũng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, gồm: Bà Lê Dương Cẩm Thúy - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; ông Lê Vǎn Bé Tám - Trưởng phòng Thẩm định Sở KH&ĐT; ông Phạm Minh Đức - nguyên chuyên viên Phòng Thẩm định; bà Nguyễn Thị Phương Dung - Trưởng phòng Tài chính đầu tư Sở Tài chính là những người chủ trì, tham gia ý kiến trong việc thẩm định chủ trương đầu tư, quyết định dự án và dự toán, trong đó có nội dung xác định chi phí hệ thống DSA hai bình diện.

Trong quá trình thẩm định, đề xuất, 4 cá nhân này tin tưởng các đơn vị thẩm định, đề xuất của Sở Y tế, nên khi kiểm tra hồ sơ đã không phát hiện các báo giá không ghi thời gian, không đảm bảo yếu tố giá cả thị trường. 4 cá nhân trên không phải là thẩm định viên về giá, không có chức năng thẩm định lại chứng thư thẩm định giá của đơn vị thẩm định đã được Nhà nước cấp phép. Họ không bị ai tác động để làm sai, không được hưởng lợi ích gì.

 

Trong vụ án này, có 6 bị cáo được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú, gồm: Hồ Phương Quỳnh (SN 1983, chuyên viên Ban Quản lý Dự án Sở Y tế TP Cần Thơ); Hoàng Hà Anh (SN 1981, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình An); Hoàng Ngọc Hồng Phúc (SN 1983), Phùng Thị Dương (SN 1986), Nguyễn Bảo Trân (SN 1984, cả 3 nguyên là cán bộ, nhân viên Công ty NSJ); Nguyễn Duy Hùng (SN 1992, nhân viên Công ty BTCVALUE).