Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội do UBND TP gửi đến Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, trả lời câu hỏi của cử tri về hiệu quả của Dự án tuyến xe buýt BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa) sau 5 năm triển khai thực hiện, UBND TP cho thấy: UBND TP đã giao cho Viện Kinh tế xã hội TP Hà Nội khảo sát, đánh giá, tuyến buýt nhanh BRT sau khi đi vào khai thác được người dân đánh giá là tạo được hình ảnh mới về phương thức vận tải hành khách công cộng theo hướng văn minh hiện đại; tạo cho người dân có ý thức khi sử dụng vận tải hành khách công cộng theo hướng xanh-sạch-đẹp.
Theo báo cáo đánh giá kết quả hoạt động tuyến BRT sau hơn 5 năm đi vào hoạt động (từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm 2022), loại hình buýt nhanh BRT đã mang lại những kết quả tích cực, được Nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt. Chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao so toàn mạng.
Giai đoạn từ 2017-2019, tổng hành khách vận chuyển đạt 4,9 triệu lượt hành khách . Năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt hành khách (tăng 6,3% so với năm 2017); năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt hành khách (tăng 3,7% so với năm 2018).
Khách bình quân/lượt năm 2017 đạt 40,1 hành khách /lượt; năm 2018 đạt 42,6 hành khách/lượt (tăng 6,2% so với năm 2017); năm 2019 đạt 42,8 hành khách/lượt (tăng 0,7%) so với năm 2018. Khách bình quân giờ cao điểm trong điều kiện bình thường đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển tới trên 100 hành khách.
Sản lượng khách đi vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT (là đối tượng đi lại thường xuyên trên tuyến) cao nhất toàn mạng: Năm 2017 là 1,6 nghìn người/tháng; năm 2018 là 2,2 nghìn người/tháng; năm 2019 là 2,1 nghìn người/tháng (chiếm 7,8% 7,6% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng).
Doanh thu thực hiện của tuyến luôn ở mức cao trong toàn mạng: Năm 2017 đạt 25 tỷ đồng (đứng thứ 2 toàn mạng); năm 2018 đạt 27,5 tỷ đồng (đứng thứ 2 toàn mạng); năm 2019 đạt 24,8 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng). Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 chỉ là 26,6% thấp thứ 2 toàn mạng; năm 2019 tỉ lệ này là 36,6%, thấp nhất toàn mạng.
Tuy nhiên, đến giai đoạn từ 2020 đến nay, do chịu tác động của đại dịch Covid-19, xe buýt phải dừng hoạt động và giảm dịch vụ từ 20%-80% công suất, sản lượng và doanh thu thực hiện trên tuyến BRT sụt giảm so với giai đoạn trước đó.
Cụ thể, tổng hành khách vận chuyển năm 2020 đạt 5,35 triệu lượt hành khách (giảm 2,6% so với năm 2019-trong khi toàn mạng giảm 25,7%); năm 2021 đạt 1,82 triệu lượt hành khách (giảm 66% so với năm 2020); và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,44 triệu lượt (tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021).
Khách bình quân/lượt năm 2020 đạt 45,6 hành khách/lượt (tăng 6,5% so với năm 2019); năm 2021 đạt 23 hành khách/lượt (giảm 49,6% so với năm 2020). Trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 45,5 hành khách/lượt (tăng 97,7% so với năm 2021).
Doanh thu năm 2020 đạt 15,2 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); doanh thu năm 2021 đạt 7,9 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng). Tỷ lệ trợ giá chi phí năm 2020 là 48,6%, thấp nhất toàn mạng; năm 2021 tỉ lệ này là 65,2%, thấp nhất toàn mạng.
Nhìn chung, sau 5 năm triển khai tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa đã giảm ùn tắc giao thông cá nhân ra vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách; chất lượng phục vụ tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đối với các khu vực có tuyến đi qua.
Nhưng bên cạnh đó, nhược điểm là vẫn còn tình trạng lấn làn BRT trên tuyến. Có một số đoạn chạy chung với các phương tiện do đó ảnh hưởng đến tốc độ chuyến đi. Một số nhà chờ chưa được tiếp cận bằng cầu đi bộ, chưa có hệ thống vé điện tử.