Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng dự án điện mặt trời ở đầm An Khê:

Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Giữa các luồng dư luận trái chiều, tỉnh Quảng Ngãi quyết định dừng bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả giới khoa học và người dân.

Tín hiệu đáng mừng

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh – nền văn hóa khảo cổ thời đại Kim khí, phân bố chủ yếu ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ, lan tỏa đến Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và hải đảo. Văn hóa này được nhiều học giả quốc tế và trong nước quan tâm nghiên cứu trong hơn một thế kỷ qua.

Đầm An Khê thuộc địa bàn xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).
Đầm An Khê thuộc địa bàn xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Đầm An Khê là một bộ phận trong khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Đây cũng là đầm lớn nhất Quảng Ngãi với diện tích tự nhiên hơn 347ha, thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Thời gian qua, dư luận rất quan tâm về việc đầu tư 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê.

Ngày 25/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh có văn bản giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xem xét, có văn bản báo cáo Bộ Công Thương về việc không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê (nằm trong quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Động thái này khiến nhiều nhà khoa học và người dân “thở phào”.

“Lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe ý kiến các bên liên quan, trong đó có ý kiến của nhà khoa học và không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê. Đây là tín hiệu đáng mừng vì sẽ tốt cho môi trường và bảo tồn di sản văn hóa ở đầm An Khê, để sau này phát triển một cách bền vững hơn”- PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, Chuyên gia về môi trường cho hay.

Cùng chung quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, việc dừng xây dựng điện mặt trời trên mặt nước đầm An Khê sẽ tránh được những hệ lụy trong việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di sản quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh.

Theo ông Sử, Quảng Ngãi là tỉnh phát hiện, khai quật đầu tiên các di tích văn hóa Sa Huỳnh. Hiện nay, tại Quảng Ngãi đã tìm thấy hơn 10 di tích văn hóa Sa Huỳnh ở cả vùng núi, vùng đồng bằng ven biển và hải đảo. Trong đó, tiêu biểu nổi bật nhất là nhóm di tích Sa Huỳnh, Phú Khương, Thạnh Đức, Long Thạnh I (hay gò Ma Vương), Long Thạnh II ở vùng ven biển thị xã Đức Phổ. Những di tích này xứng đáng được được đưa vào quy hoạch xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh trưng bày khoảng 500 hiện vật, ảnh, tài liệu theo chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi.
Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh trưng bày khoảng 500 hiện vật, ảnh, tài liệu theo chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi.

“Trong thời gian tới, cần tiếp tục điều tra tổng thể, khai quật di tích tiêu biểu, làm điểm thăm quan du lịch văn hóa Sa Huỳnh, tuyên truyền phổ cập mọi người dân, tăng cường kỹ thuật số trong quản lý di sản, đưa di sản văn hóa Sa Huỳnh trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”- ông Sử nêu ý kiến.

Quan trọng hơn cả, việc dừng các dự án điện mặt trời ở đầm An Khê đã mang lại niềm vui lớn cho cộng đồng dân cư, nhất là người dân ở xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ)

“Lâu nay người dân đã không đồng thuận với việc phát triển các dự án điện vì sợ đầm An Khê bị tổn thương, ảnh hưởng sinh kế và nhiều vấn đề khác. Bây giờ, họ đã thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ được gánh nặng”- Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Phạm Kim Oanh chia sẻ.

Cơ hội "đánh thức" di sản

Khảo sát đầm An Khê và quần thể di sản Văn hóa Sa Huỳnh, các chuyên gia Hội đồng di sản văn hóa quốc gia từng nhận định: Nơi đây là không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chăm pa và sau này là Đại Việt, là không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn quý hiếm, xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, và trong tương lai có thể trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới.

Hội đồng di sản quốc gia khảo sát và xem xét không gian đầm An Khê, yêu cầu tỉnh bảo tồn đưa vào quần thể di tích Sa Huỳnh để được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2015, khi ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, giá trị pháp lý để kiến nghị công nhận di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt thì lại vướng một số dự án kinh tế của các nhà đầu tư (dự án phim trường và dự án điện mặt trời) nên đành bỏ ngỏ.

Lần này, bên cạnh việc việc dừng các dự án điện mặt trời, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Đức Phổ khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Vậy là, lại một lần nữa, di sản văn hóa Sa Huỳnh có cơ hội được "đánh thức".

Khai thác du lịch đầm An Khê được xem là hướng phát triển có nhiều tiềm năng.
Khai thác du lịch đầm An Khê được xem là hướng phát triển có nhiều tiềm năng.

Theo PGS. TS Võ Văn Minh, đầm An Khê là một “mắt xích” quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử. Khai thác du lịch đầm An Khê là hướng phát triển có nhiều tiềm năng, có thể kết hợp được nhiều loại hình như tổ chức cắm trại, đi thuyền trên đầm An Khê, thưởng thức thủy đặc sản của vùng, tham quan các di tích lịch sử, du lịch tìm hiểu đời sống của dân cư.

“Khai thác tiềm năng phát triển du lịch ở vùng đầm An Khê theo hướng gắn kết các hoạt động phục hồi sinh thái, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ hệ sinh thái nhạy cảm vùng đất ngập nước”- ông Minh gợi mở.

 

Quan điểm lãnh đạo tỉnh, việc bảo tồn di tích và phát huy giá trị là đặt lên hàng đầu, ưu tiên nhất” – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn khẳng định.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, các bằng chứng khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã cung cấp những thông tin quan trọng.

Những tư liệu này xác nhận, không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh Quảng Ngãi là không gian mở, hướng biển, hội nhập nhiều yếu tố xung quanh, xây chắc nền văn hóa, tạo dựng các nhóm văn hóa địa phương, cơ tầng cho sự ra đời các tiểu quốc, trước khi hội nhập, thống nhất thành nhà nước Chăm pa sau này.

“Văn hóa Sa Huỳnh Quảng Ngãi cần được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình tiêu biểu trong văn hóa tiền sử Việt Nam, xứng đáng được vinh danh là di sản khảo cổ quốc gia đặc biệt. Đây chính là cơ hội để “đánh thức” những giá trị di tích văn hóa tiềm năng của văn hóa Sa Huỳnh, trước khi các di sản văn hóa ấy bị “ngủ quên” và từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm dừng chân hấp dẫn, thu hút khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước”- ông Dũng thông tin.