Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao “vua tôm” Minh Phú lỗ gần trăm tỷ đồng?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong quý I/2023 khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản lao đao. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp số 1 Việt Nam về xuất khẩu tôm cũng không ngoại lệ.

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2023. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 2.120 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng gần 3 lần khiến công ty lỗ sau thuế 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 vẫn lãi hơn 91 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2023 kém xa mục tiêu doanh thu gần 18.000 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 1.146 tỷ đồng trong năm 2023 mà công ty đặt ra từ đầu năm. Kết quả này cho thấy sự chững lại sau nhiều năm lợi nhuận tăng trưởng cao của doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôm” của Việt Nam.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Cũng theo kết qua kinh doanh hợp nhất quý I/2023 của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tổng tài sản và nợ của doanh nghiệp đều giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, lần lượt đạt 9.502 tỷ đồng và 3.830 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm nhẹ còn 4.741 tỷ đồng, nhưng vẫn chiếm hơn một nửa tổng tài sản.

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được xem là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Sản phẩm của doanh nghiệp này có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhóm hàng xuất khẩu chính của Minh Phú là tôm. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt 843 triệu USD, giảm đến 39,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản hiện gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang chịu nhiều áp lực từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, cùng lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản và tăng cung trên thị trường, trong khi lượng hàng tồn của một số quốc gia nhập khẩu lớn như Hòa Kỳ hay Liên minh châu Âu (EU) còn lớn, khiến nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng mới…

Đồng quan điểm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp thủy sản hiện nay vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc. Giá xuất khẩu cũng đang sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.