Bộ môn không có võ sĩ chuyên biệt
Theo HLV đội tuyển Arnis Việt Nam Nguyễn Thái Linh, Arnis là môn chuyển đổi nên một lần nữa các thành viên của những môn võ khác được tuyển chọn và tập trung luyện tập tại Hà Nội. Vì là môn đấu có sự giao thoa với các môn khác như Pencak silat, Muay.... bộ môn không có võ sĩ chuyên biệt, điều này buộc khi đưa ra tiêu chí tuyển chọn các VĐV cho đội tuyển Arnis Việt Nam được đặt ở mức cao hơn so với các bộ môn võ tương đồng. Cụ thể, Arnis yêu cầu VĐV phải có những khả năng di chuyển linh hoạt, khéo léo và tương đồng... Những yếu tố trên giúp việc chuyển đổi từ các môn võ sang Arnis sẽ nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Arnis là môn chuyển đổi và mới được nước chủ nhà SEA Games 32 công bố hồi đầu năm nên trong thông tư 05 của Bộ VHTT&DL năm 2021 "quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho VĐV, HLV đội tuyển quốc gia" không có danh mục trang thiết bị cho đội tuyển Arnis tập luyện.
Cũng theo HLV Nguyễn Thái Linh, để khắc phục những khó khăn về trang thiết bị tập luyện, đội tuyển Arnis Việt Nam phải tự khắc phục bằng những trang bị đơn giản để có thể thay thế tập luyện như gậy gỗ bằng ống nhựa, tập với bao cát, đánh đối kháng ở mức độ cơ bản, tập những động tác căn bản... điều này nhằm bước đầu làm quen trở lại với bộ môn trong quá trình đợi trang thiết bị được cung cấp.
"Arnis là môn mới nhưng từ kỳ SEA Games 2019 tại Philippines, đội tuyển Arnis Việt Nam có một số VĐV thi đấu và đạt được thành tích ở các nội dung đối kháng. Tại kỳ Đại hội sắp tới, đội tuyển Arnis Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi một số VĐV đã giải nghệ, nước chủ nhà giới hạn hạng cân thi đấu nên Ban huấn luyện phải có những phương án khắc phục như ép cân, chuyển đổi hạng cân..." - HLV Nguyễn Thái Linh cho biết.
Chinh phục từ 2-3 HCV
Tại kỳ SEA Games 30 diễn ra trên đất Philippines vào năm 2019, đội tuyển võ gậy Việt Nam đã mang về 4 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Để chuẩn bị cho Đại hội sắp tới, đội tuyển Arnis Việt Nam đã được tập trung từ đầu tháng 2/2023 với với 2 HLV, 23 VĐV (13 VĐV nam, 10 VĐV nữ), tham dự 12 nội dung gồm 8 nội dung đối kháng và 4 nội dung biểu diễn.
Khó khăn là điều thấy rõ cho Arnis Việt Nam, đặc biệt đợt tập trung chuẩn bị cho SEA Games 32 thiếu đi một số VĐV đã từng chinh chiến cách đây 4 năm để giành 4 HCV. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban huấn luyện, đội tuyển Arnis Việt Nam vẫn sở hữu những cái tên rất chất lượng từng giành huy chương môn Arnis ở kỳ SEA Games 30 như Hồng Nhung, Thái Bình, Công Quốc…
“Cá nhân tổi trưởng thành là VĐV Pencak silat, các kĩ thuật hoàn toàn sử dụng chân, tay nhưng khi sang tập Arnis phải dùng gậy và chỉ dùng một tay, mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu. Trong thời gian qua, toàn đội đã tích cực tập kĩ thuật mới, khó khăn lớn nhất với các VĐV chủ yếu xoay quanh vấn đề kĩ thuật" – VĐV Hồng Nhung cho biết.
Để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội, đội tuyển Arnis Việt Nam đã nâng cao và duy trì chế độ tập luyện lên tới 4 ca/ngày gồm ca 5 giờ sáng, 8 giờ sáng, 14 giờ 30 chiều và 19 giờ tối.
Ngoài ra, đội tuyển Arnis Việt Nam có thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Philippines để nâng cao trình độ. Toàn đội cũng đưa ra kế hoạch tập luyện, mục tiêu cũng như xác định những đối thủ cạnh tranh trực tiếp giành huy chương là Philippines, Myanmar và nước chủ nhà Campuchia. Đây sẽ là những đối thủ cạnh tranh trên con đường hướng tới mục tiêu chinh phục từ 2-3 HCV của đội tuyển Arnis Việt Nam.
"Do thời gian rất gấp rút nên Ban huấn luyện và các VĐV đã quyết tâm nâng cao cường độ tập luyện. Sau thờigian đầu tập trung giúp toàn đội làm quen, chuyển đổi trạng thái, sẽ bước vào guồng quay trơn tru. Dù vậy, toàn đội vẫn còn rất nhiều việc phải làm từ các mảng đối kháng đến biểu diễn" - HLV Thái Linh chia sẻ.
"So với Muay Thái chỉ dùng tay không và đi chân đất thi đấu thì Arnis dùng gậy, đi giày và có cách di chuyển khác nhau nên có chút bỡ ngỡ. Nhưng đối với các VĐV thì chúng tôi đã có sẵn nền tảng thể lực, chuyên môn, chỉ cần bổ sung thêm kĩ thuật" - VĐV Công Quốc chia sẻ.