Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn chờ dự án

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại phiên họp họp thứ 14, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (đợt 3) là hơn 100.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại, Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là hơn 355.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 7 đạt gần 34,5%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thách thức lớn mà mục tiêu năm nay đề ra đó là phải cao hơn năm trước, trong khi thời gian không còn nhiều.

Sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tiến độ giao vốn là chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện. Giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 7 đạt gần 34,5%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thách thức lớn khi mục tiêu năm nay không chỉ là cao hơn năm trước, trong khi thời gian không còn nhiều.

Thừa nhận vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân là do tồn tại nhiều bất cập và hạn chế, từ kế hoạch, xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết.

Công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh... Điều này dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án.

Nếu chất lượng chuẩn bị dự án thấp, quản lý đất đai không tốt nữa thì sẽ dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn, có khi phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục. Thủ tục vì thế sẽ kéo dài thêm khiến khó triển khai và giải ngân nhanh.

Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để phân bổ hết số vốn còn lại. Bên cạnh khẩn trương giao vốn cũng cần phải có nhiều giải pháp hữu hiệu khác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều này có ý nghĩa quan trọng đến mục tiêu, kế hoạch của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không thể có tình trạng cứ mãi chậm trễ mà không có biện pháp nào. Sắp tới Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm. Theo đó, cần nhìn nhận trực diện vào những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, để tận dụng những thành tựu cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu...

Phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công. Kiên quyết cắt giảm điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, còn thiếu vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025.