Hệ lụy từ mực nước sông Hồng hạ thấp
Trong những năm qua, mực nước trên sông Hồng liên tục hạ thấp. Nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi chỉ ra, cao độ đáy sông Hồng tại trạm thủy văn Sơn Tây (TP Hà Nội) đã bị hạ thấp ít nhất 5m trong những năm gần đây.
Việc lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp ảnh hưởng lớn đến năng lực cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ Xuân hàng năm cho 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại địa bàn Hà Nội.
“Do mực nước sông Hồng xuống thấp, hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi rất thấp. Tại Hà Nội, trạm bơm Ấp Bắc hay các cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc đã không thể vận hành lấy nước sản xuất trong nhiều vụ Xuân gần đây” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp, hàng năm, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Khanh cho biết, cách đây khoảng 10 năm, tổng lượng nước xả phục vụ sản xuất vụ Xuân chỉ khoảng 3 tỷ mét khối nhưng nay có những năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải xả đến 6 tỷ mét khối mà nhiều vùng vẫn không lấy được nước.
Riêng vụ Xuân 2024 vừa qua, nhờ hai trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây) và Trung Hà (huyện Ba Vì) được đầu tư xây dựng, nâng cấp kịp thời nên tổng lượng xả từ các hồ chứa thủy điện trong hai đợt chống hạn giảm còn khoảng 2,78 tỷ mét khối nước.
Con số trên thấp hơn so với dự kiến kế hoạch ban đầu của Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (3,5 tỷ mét khối), nhưng vẫn là “mất mát” của ngành điện lực. Sở dĩ vậy là bởi lượng nước này có ý nghĩa rất lớn phục vụ cấp điện cho miền Bắc trong những tháng mùa khô và cao điểm nắng nóng.
Cùng với ảnh hưởng đến cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dự trữ điện, mực nước sông Hồng hạ thấp còn là nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm trên hệ thống các sông ở hạ du, nhất là các sông nhánh chảy vào địa bàn Hà Nội như sông Đáy, sông Nhuệ.
Hơn 60 năm sinh sống ven sông Đáy nhưng chưa khi nào ông Vương Đức Hạnh (thôn 1, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) lại chứng kiến dòng sông Đáy chảy ra địa bàn thôn ô nhiễm như những năm gần đây. Dòng nước đen kịt, bốc mùi khó chịu, nhất là vào những ngày nồm ẩm. “Trước đây, nhiều hộ dân sống bám ven sông, vẫn sống khỏe nhờ nghề đánh cá, mò cua bắt ốc. Thế nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, nước sông Đáy bị ô nhiễm nặng, tôm, cá gần như không còn” - ông Vương Đức Hạnh nói thêm.
Nguyên Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi) Lê Viết Sơn cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến sông Đáy, sông Nhuệ cạn nước và ngày một ô nhiễm nặng nhưng căn nguyên là do nguồn cấp nước và dòng sinh thủy nội tại kém.
“Mực nước sông Hồng hạ thấp dẫn đến không có dòng chảy sông Hồng vào sông Đáy và sông Nhuệ để làm sạch và thau rửa; cộng thêm tác nhân từ các nguồn nước thải dân sinh, hoạt động của các làng nghề dọc hai ven sông khiến tình trạng ô nhiễm thêm phần trầm trọng” - ông Lê Viết Sơn nhận định.
Xây đập dâng sẽ là giải pháp?
Việc xây dựng đập dâng trên hệ thống sông Hồng là vấn đề lớn, bởi công trình này chắc chắn sẽ tác động đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, giải pháp điều tiết nguồn nước này đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành, trong nhiều năm qua tại Việt Nam và cho thấy những hiệu quả tích cực. Do đó, nếu quyết tâm và có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng thì hoàn toàn có thể thực hiện được.
Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Vũ Duy Hường
Trước tình trạng hạ thấp mực nước trên nhiều tuyến sông (trong đó có hệ thống sông Hồng), tại Quyết định số 847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đề cập đến giải pháp xây dựng đập dâng, công trình dâng nước trên dòng chính.
Theo đó, trong phân kỳ đầu tư 2021 - 2030, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, TP nghiên cứu quy hoạch để đầu tư xây dựng 6 đập dâng. Trong số này có đập Xuân Quan trên sông Hồng thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên (giáp ranh với TP Hà Nội) và đập Long Tửu trên sông Đuống tại khu vực huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Sau khi thông tin về xây dựng hai đập dâng được đưa ra, nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá đây sẽ là giải pháp hiệu quả khắc phục được tình trạng hạ thấp mực nước sông Hồng, nguyên nhân của nhiều hệ lụy về kinh tế và môi trường như đã được đề cập ở trên.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn, khi làm đập dâng trên hệ thống sông Hồng sẽ khiến dòng chảy thay đổi và tác động đến hệ sinh thái ở phía hạ lưu. Điều này cũng có thể gây nguy cơ xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội), giống như diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long.
TS Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ những tác động về môi trường, cảnh quan của việc xây dựng hai đập dâng trên hệ thống sông Hồng; đồng thời cho rằng, đập dâng chỉ là một giải pháp.
“Đối với Hà Nội, việc xử lý dứt điểm tình trạng xả thải xuống lòng sông là vấn đề rất quan trọng, bởi đây là tác nhân gây ô nhiễm chính cho sông Đáy, sông Nhuệ. Chỉ khi làm tốt việc này thì tình trạng ô nhiễm các dòng sông mới được cải thiện” - TS Đào Trọng Tứ bày tỏ quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, không chỉ sông Hồng mà nhiều sông ở miền Bắc hiện đang bị “tụt đáy”, ảnh hưởng ngày một lớn đến cấp nước phục vụ sản xuất và đặc biệt là làm gia tăng ô nhiễm trên hệ thống sông ở hạ du, nhất là các sông thuộc Hà Nội như sông Nhuệ, sông Đáy. Điều này đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu giải pháp để nâng cao độ lòng dẫn, hoặc dâng mực nước sông Hồng lên cao.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận “khi làm đập dâng thì đương nhiên có những tác động không mong muốn”. Thứ nhất là dòng chảy thay đổi kéo những vấn đề về môi trường, trong đó có chất lượng nước nếu như không tính toán kỹ địa điểm xây đập, hoặc vận hành đập không tốt. Thứ hai là toàn bộ hệ vi sinh vật có thể thay đổi, kéo theo đó là việc phải tính toán để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
“Vấn đề đặt ra là không thể không làm, bởi những giá trị rất lớn mà đập dâng có thể mang lại cho kinh tế, xã hội và môi trường” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, đồng thời cho biết, để chuẩn bị cho việc này, Bộ NN&PTNT đã giao Viện Quy hoạch thủy lợi phối hợp cùng Viện Khoa học thủy lợi thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước.
“Đây là nghiên cứu ban đầu và đã được nghiệm thu từ năm 2020. Thêm nữa, trong Quy hoạch tại Quyết định số 847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến giải pháp này. Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên nghiên cứu phương án xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống trong giai đoạn 2026 - 2030” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin thêm.
Theo GS.TS Trần Đình Hòa - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, kết cấu đập dâng nước thực chất là các cửa van điều tiết và hoàn toàn trong phạm vi lòng sông mùa kiệt. Về mùa lũ, các cửa điều tiết được kéo lên, hoặc nằm chìm đáy, do đó không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy.
Dù sẽ có những tác động nhất định, nhưng theo GS.TS Trần Đình Hòa, đập dâng trên sông Hồng vẫn mang lại nhiều giá trị lớn. Đặc biệt, công nghệ và năng lực xây dựng về công trình thủy lợi của Việt Nam hiện nay cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc xây dựng đập dâng còn có ý nghĩa đối với định hướng quy hoạch xây dựng và phát triển TP hai bên bờ sông của Hà Nội. Không thể làm quy hoạch TP hai bên sông Hồng mà nhìn mãi trên sông không có nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp