Trong suốt 21 năm qua, 11 trường mẫu giáo do ông Yu Bo điều hành luôn thu hút đông đảo học sinh, đến mức phụ huynh phải đăng ký chỗ trước khi sinh con. Tuy nhiên, từ năm 2022, khi đại dịch bùng phát và tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh, số lượng học sinh đến trường đã sụt giảm đáng kể, buộc nhiều cơ sở phải đóng cửa. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các trường mẫu giáo, mà còn phản ánh tình trạng khủng hoảng dân số nghiêm trọng tại quốc gia này.
Trong hai năm qua, dân số Trung Quốc liên tục giảm, cùng với đó là tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, chỉ còn 6,39 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2023. Trước thách thức này, ông Yu quyết định chuyển sang lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Các chuyên gia cho biết, dù lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc ngày được Chính phủ hỗ trợ, tuy nhiên ngành này vẫn còn rất mới mẻ, từ việc thiếu mô hình chuẩn đến thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm.
Zhuang Yanfang, một trong những người đầu tiên mở trường mầm non ở Jinhua, tỉnh Chiết Giang, đã phải đóng cửa sau 25 năm hoạt động do lượng trẻ em đăng ký học giảm sút. Sau khi tham quan nhiều nhà dưỡng lão, cô nhận thấy nhiều người cao tuổi muốn chuyển đến những nơi chăm sóc chuyên nghiệp hơn, vì nhà riêng không còn phù hợp và con cái của họ không có nhiều thời gian chăm sóc.
“Với trẻ em, chúng tôi giúp chúng phát triển kỹ năng. Còn với người già, chúng tôi mang đến cho họ một cuộc sống thoải mái và vui vẻ” - cô chia sẻ.
Zhuang đã cải tạo toàn bộ cơ sở để phù hợp với người cao tuổi. Cô lắp đặt tay vịn, thang máy, camera an ninh, và lát lại sân bằng gỗ. Các phòng học được chuyển thành phòng ngủ và không gian sinh hoạt chung, bao gồm phòng chơi mahjong, phòng ăn, phòng y tế, và góc thư pháp. Sân vườn cũng được thiết kế với ghế ngồi uống trà để tạo không gian thư giãn.
“Thay vì ngồi ở nhà xem tivi, các cụ có thể đến nhà dưỡng lão tham gia các hoạt động vui vẻ như hát, chơi cờ, hay học thư pháp” - cô nói.
Về phía Yu, sau khi tìm hiểu kỹ, ông nhận thấy người cao tuổi ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Ông đã đầu tư vào các thiết bị chăm sóc như bộ châm cứu, vòng đeo tay theo dõi giấc ngủ và hệ thống báo gọi y tá, đồng thời yêu cầu đội ngũ giáo viên của mình tham gia các khóa đào tạo và lấy chứng chỉ chăm sóc người cao tuổi.
Với mức phí phải chăng, trung tâm của Yu cung cấp các dịch vụ mát-xa, chăm sóc sức khỏe, ăn uống và nhiều hoạt động giải trí cho người cao tuổi. Nhà dưỡng lão này cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Do số lượng người cao tuổi gia tăng, Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi cộng đồng quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe và đời sống của họ. Điều này đòi hỏi nhiều trung tâm chăm sóc, nhân lực chuyên môn và dịch vụ tiện ích cho người già.
Cụ thể, Thượng Hải đang lên kế hoạch chuyển đổi các khu vực trống tại các trường mầm non và khu dân cư thành không gian dành cho người cao tuổi. Trong khi đó, Bắc Kinh đặt mục tiêu đào tạo 25.000 chuyên gia chăm sóc sức khỏe người già vào năm 2025. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện tại vẫn chưa đủ để phát triển hiệu quả các dịch vụ này.
Ông Yu chia sẻ, vợ chồng ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu mở trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Điều này là bởi Chính phủ chưa có cơ quan quản lý chính thức cho loại hình dịch vụ này, đồng thời chưa có sự hỗ trợ về tài chính hay hướng dẫn cụ thể. “Nhiều người cao tuổi đã hỏi tôi rằng liệu trung tâm có thể phải đóng cửa sau khi họ đã đóng phí không” - Yu nói.
Bei Bei, sinh viên mới tốt nghiệp ngành chăm sóc người cao tuổi, cũng lo lắng về tương lai nghề nghiệp. Mặc dù việc làm trong ngành này dễ tìm, nhưng mức lương lại không tương xứng. Cô chỉ kiếm được 3.000 nhân dân tệ (421 USD) mỗi tháng khi làm việc tại một nhà dưỡng lão ở Quảng Châu, thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình ở TP là 13.193 nhân dân tệ (1852 USD).
“Công việc chăm sóc người già vốn đã vất vả, nhưng khối lượng giấy tờ phải xử lý, như việc ghi lại tương tác với người cao tuổi để trung tâm có thể vượt qua các đánh giá và nhận tài trợ từ chính phủ, khiến tôi cảm thấy mệt mỏi hơn” - cô nói.
Tại nhà dưỡng lão Runnian Home ở Chiết Giang, Zhuang luôn cố gắng để cải thiện dịch vụ, từ việc điều chỉnh thực đơn đến bổ sung các hoạt động mới. Cô đặc biệt chú trọng cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý nhằm đáp ứng nhu cầu cảm xúc của người cao tuổi.
Theo He Yafu, chuyên gia về dân số, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ ngày càng tăng cao trong tương lai.
“Mặc dù ngành này còn mới, nhưng với tốc độ già hóa dân số hiện nay, các cơ sở công lập sẽ không đủ khả năng đáp ứng, dẫn đến gánh nặng chăm sóc người già sẽ đè nặng lên các gia đình. Do đó, trong tương lai, ngày càng nhiều gia đình sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi” - Yafu nhận định.