Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung lực để Công nghiệp Thủ đô phát triển xứng tầm

Chủ tịch HANSIBA, Chủ tịch HĐQT N&G GROUP Nguyễn Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa chung nhịp đập phát triển kể từ khi đổi mới, Thủ đô Hà Nội với nền tảng cơ bản về con người và hạ tầng đã vươn lên đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Công nghiệp.

Các DN đầu tư sản xuất hình thành một số nhóm ngành chủ lực: điện - điện tử, công nghệ thông tin, cơ kim khí, chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy…

Tận dụng lợi thế

Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Công nghiệp Hà Nội đã hình thành các khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành quan trọng như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) và nhiều khu - cụm công nghiệp làng nghề đã đang phát triển… tạo mặt bằng, nhà xưởng cho các DN sản xuất kinh doanh, dự kiến năm 2004 đạt mức tăng trưởng là 24%, mục tiêu năm 2005 đạt trên 18%...

Hiện, Công nghiệp Hà Nội đã phát triển trên 30 phân ngành với hàng nghìn loại sản phẩm. Các DN có sản phẩm được TP công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực đều thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nền tảng... Không dừng ở đáp ứng cho thị trường trong nước, các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội đã tăng trưởng rất nhanh về giá trị xuất khẩu.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Thiết bị điện MBT. Ảnh: Khắc Kiên
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Thiết bị điện MBT. Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, có 12 DN nằm trong tốp 500 DN hàng đầu Việt Nam, 15 DN lớn có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Nhiều DN đã tập trung đầu tư sản xuất trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, sản phẩm cho ngành ô tô điện, máy nông nghiệp, linh kiện điện tử và hàng không, máy bay không người lái… với công nghệ cao hướng tới sản phẩm chip bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu.

Với kết quả đã đạt được, ngành Công nghiệp Hà Nội với các DN nền tảng đổi mới sáng tạo tự hào đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, Hà Nội cần tận dụng lợi thế cao nhất luôn được Đảng - Nhà nước quan tâm giành nhiều chính sách tốt để phát triển, trong đó có công nghiệp.

Từ các Nghị quyết, Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ nhiều thời kỳ, đặc biệt là Luật Thủ đô được chính thức áp dụng từ 1/7/2013 và đang điều chỉnh phù hợp giai đoạn mới sẽ tạo động lực để bứt phá, phát triển tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp.

Năm 2022, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm nhấn quan trọng Nghị quyết giao Chính quyền và Nhân dân - DN Thủ đô phát triển kinh tế là Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước, GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000USD...

Giải pháp phát triển đúng vị thế

Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải phát triển toàn diện tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, logistics, y tế, văn hoá, giáo dục… trong đó có ngành công nghiệp là động lực góp phần quan trọng với tỷ trọng lớn và kích ứng, hỗ trợ… Theo đó, để ngành Công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ - công nghệ cao nói riêng phát triển xứng tầm với vị thế, Thủ đô Hà Nội cần có:

Thứ nhất, tổng kết toàn diện, cụ thể, chính xác các ngành công nghiệp, làm rõ hiện trạng, thuận lợi - khó khăn…

Thứ hai, quy hoạch lại các lĩnh vực các ngành công nghiệp, lựa chọn ngành - lĩnh vực Công nghiệp Hà Nội có lợi thế để phát triển.

Thứ ba, đưa ra các chính sách ưu đãi riêng của Thủ đô gắn vào việc điều chỉnh Luật Thủ đô đang được T.Ư định hướng để thực hiện; cụ thể hóa ưu đãi về tài chính, kết nối đầu ra, tiếp cận công nghệ mới, đào tạo và tuyển dụng lao động… hỗ trợ cho các DN Thủ đô chiếm lĩnh, tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất tại Việt Nam, khu vực và thế giới.

Thứ tư, kiên quyết loại bỏ rào cản, gây phiền hà, bất cập cho DN trong và ngoài nước, đưa ra các thể chế - thủ tục hành chính “1 cửa” liên thông giải quyết cho DN thuận lợi phát triển.

Thứ năm, tập trung hỗ trợ phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, HANSSIP, coi đây là 2 "quả đấm thép" cùng với các KCN, cụm công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư mới để tạo hạ tầng “cứng” hiện đại - chuyên sâu - chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh đồng bộ tiêu chuẩn cho DN.

Thứ sáu, gắn kết chặt chẽ với chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ với các cường quốc công nghiệp như: Nhật, Hàn, Mỹ… tận dụng tối đa sự cạnh tranh, dịch chuyển, định hướng phát triển để thúc đẩy hợp tác, đầu tư, sản xuất tại Thủ đô.

Cuối cùng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến, bảo vệ và hỗ trợ cho DN phát huy tất cả tiềm năng, trí tuệ, vật chất… tham gia vào phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.