Tết Việt qua dòng chảy thời gian

Bài 1: Giá trị bất biến của ý nghĩa Đoàn viên

Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 2 năm, từ khi dịch Covid-19 hoành hành thế giới, Tết đến những người xa quê lại rỉ tai nhau câu nói: Tết này có nên về quê? Những thói quen ngày Tết của người Việt đã giản đơn đi rất nhiều.

Người dân đến vui chơitại không gian Lễ hội TếtViệt CanhTý 2020 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ThanhVũ
Người dân đến vui chơitại không gian Lễ hội TếtViệt CanhTý 2020 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ThanhVũ

Khởi nguồn từ những hình thức sinh hoạt Hội mùa gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước của cộng đồng người Việt và một số dân tộc thiểu số anh em, trên dòng chảy thời gian, Tết Nguyên đán đã và đang trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng, lan tỏa phạm vi không gian thực hành sâu rộng ra khắp mọi vùng, miền cả nước.

Bài 1: Giá trị bất biến của ý nghĩa Đoàn viên

Đã 2 năm, từ khi dịch Covid-19 hoành hành thế giới, Tết đến những người xa quê lại rỉ tai nhau câu nói: Tết này có nên về quê? Những thói quen ngày Tết của người Việt đã giản đơn đi rất nhiều. Nhưng tập tục, văn hóa ngày Tết không phải vì thế mất đi mà chỉ là cách thích ứng với dịch bệnh.
Ý thức cộng đồng ngày cuối năm
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Theo ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, Tết Nguyên Đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mồng 7 Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán - Tết đầu năm mới. Không phải ngẫu nhiên mà hằng năm, cứ vào tuần cuối năm cũ, từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết) cho đến 30 tháng Chạp (30 Tết), mọi gia đình người Việt cũng như hàng chục gia đình dân tộc thiểu số khác, thường tập trung cùng nhau viếng thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên, dâng lễ mọn cúng bái và mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu”.
Với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tâm lý và ý thức của cộng đồng ngày cuối năm hướng về cội nguồn được thể hiện qua nhiều hình thức thực hành đa dạng, trong đó tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên như một phần trong hệ thống sinh hoạt tín ngưỡng Việt Nam, được thể hiện qua phong tục thờ cúng nhân vật được coi là thủy tổ của một tộc người, một dân tộc hay một quốc gia - Nhà nước với hiệu danh quốc tổ (chẳng hạn như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương), hay là người có công lập làng/bản, được vinh danh là thành hoàng làng, cho đến các bậc tổ tiên mỗi dòng họ, ông bà đã khuất trong mỗi gia đình, trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Thực tế đó được bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ (gia đình, dòng họ, làng xóm) trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Thích ứng để giữ nếp xưa
Trong thời kỳ phát triển, số lượng dân cư rời nơi “chôn nhau cắt rốn” để đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Và theo đúng nét văn hóa Tết Đoàn viên, nên cứ vào dịp Tết chúng ta đã quá quen với hình ảnh người người, nhà nhà, rồng rắn nhau, lũ lượt rời TP trước kỳ nghỉ lễ dài ngày để trở về quê nhà.
Thế nhưng năm nay khi dịch Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, những ngày qua, việc một số địa phương có thư vận động người dân không nên về quê ăn Tết hay có một số quy định khác về xét nghiệm, cách ly..., người dân lại đặt câu hỏi: “Tết này ta có về quê không?”. Chưa bàn đến tinh thần của Nghị định 128/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về việc linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh, mà nghĩ “Khi cả mùa dịch ta đã không trở về được bên ba mẹ và gia đình. Bây giờ dịch vãn rồi, Tết này ta có về không? Đây quả thật là một câu hỏi trong đầu rất nhiều người trẻ xa quê. Về hay không về? Và về rồi thì có gì trong tay để về?” - NSƯT Hồng Ánh bày tỏ tâm tư với truyền thông trước ngày Tết.
Thế nhưng, trải qua một năm biến động tại TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Hồng Ánh còn nhớ như in những ngày TP Hồ Chí Minh căng thẳng vì đại dịch, người cha trải qua một cuộc phẫu thuật mà không có những người con bên cạnh. “Khi ấy tôi mới cảm thấy được sự thèm khát vô cùng của những phút bình yên quý giá. Thế nên tôi đếm từng phút giây chờ ngày qua giãn cách, sáng sớm mờ sương là đã lao mình về quê. Tạ ơn Trời Phật, sức khỏe của ba tôi lúc đó đã dần hồi phục. Tết này TP Hồ Chí Minh đã lại vùng xanh, sân khấu kịch sẽ lại sáng đèn. Và tôi thì vẫn có thể là một nhân vật nào đó khùng điên cười cợt bên ngoài cánh gà, nhưng tới chiều tối sẽ lại là một Ánh Hường bên ba mẹ ở quê nhà Trà Vinh. Về nhà, không phải là chuyện trách nhiệm. Về quê, không phải là chuyện tiền nong. Mà đơn giản là muốn về và được về, khi còn có người chờ ta nơi ấy” - Hồng Ánh chia sẻ quan niệm về quê ngày Tết.
Cũng giống như Hồng Ánh, rất nhiều người dân sau thời gian dài xa quê mong mỏi trở về quê ngày Tết, đó là sự trở về trong thích ứng mới. Anh Nguyễn Minh Tuất công nhân khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) bày tỏ: “Trong dây chuyền sản xuất của tôi cũng từng có ca mắc Covid-19 nên tôi hiểu hết những phiền phức một khi có ai đó là F0. Nhưng bây giờ hầu như tất cả các địa phương đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân, cũng đã đến lúc giải tỏa căng thẳng cho những nhớ thương, nhất là những người xa quê như tôi. Hơn 7 tháng trôi qua, nhiều thời điểm dù rất nhớ vợ con nhưng tôi không dám về quê ở Yên Bái. Tôi muốn dồn hết nhớ thương cho chuyến về nghỉ Tết, nên khi công ty cho nghỉ tôi sẽ chạy xe máy về nhà”.
Một mùa Xuân nữa lại về. Nhớ lại, năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng người dân vẫn có những cách chào đón mùa Xuân theo cách riêng của mình, vẫn an toàn, ấm áp, vui tươi, hạnh phúc bên gia đình. Năm nay, hẳn nhiên mọi người sẽ có một mùa Xuân, một cái Tết rất khác, vẫn còn lo lắng về dịch bệnh nhưng sự việc đối phó với dịch bệnh cũng khác năm 2021, đó là sự thích ứng an toàn. Chính vì vậy, Tết có thể dừng lễ hội, giảm quy mô vui chơi nhưng Tết Đoàn viên vẫn là sự mong mỏi của những người con xa quê.

 

"Trải qua diễn trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt cũng như một số dân tộc khác như Mường, Tày, Nùng… qua các thế hệ đã không ngừng giữ gìn, trao truyền và bồi đắp các lớp văn hóa thông qua thực hành sinh hoạt lễ tiết.

Để rồi, Tết Nguyên đán trở thành công đoạn sinh hoạt văn hóa đầu tiên và quan trọng nhất trong một năm của hệ thống lễ hội/lễ tiết Việt Nam, góp phần tô đậm cho bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh một cách sinh động nhất cho tinh thần hòa điệu giữa con người và tự nhiên, theo chu kỳ ứng xử với vận hành vũ trụ." - GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

"Ngày xưa, từ đời Tiền Lê, ông cha ta đi mở cõi về phương Nam, rồi dần dần đến thế kỷ XVIII đã vào tận Đồng bằng sông Cửu Long thì làm sao về ăn Tết cùng quê hương bản quán được. Ông cha ta vẫn có cách để hưởng cái Tết cho riêng mình. Họ tổ chức tại đó, đúng 30 Tết thắp nén hương thơm hướng về nguồn cội, thế cũng là Tết.

Gần hơn là các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là những cái Tết xa nhà nơi chiến trường ác liệt nhưng vẫn đậm đà hương vị Tết bởi ở đâu mà tấm lòng chúng ta hướng tới cội nguồn, hướng về tổ tiên về nơi mình đã sinh ra thì ở đó vẫn có Tết.

Giá trị bất vong bản, giá trị hướng về cội nguồn, gia đình vẫn còn dù hình thức ăn Tết có khác đi. Tết là “lệ”, là phong tục chứ không phải là “luật”, nó tự do cho nhiều sự lựa chọn." - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

"Chúng ta trông đợi vào cái Tết ấm áp nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa tình người, an toàn vượt qua dịch bệnh. Vì vậy mỗi người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “5K + vaccine” phòng, chống dịch Covid-19. Làm được tất cả những điều đó thì cái Tết Nhâm Dần năm 2022 của chúng ta sẽ an toàn, tiết kiệm, ấm áp, vui tươi thể hiện đúng ý nghĩa Tết vì mọi người, Tết vì chính mỗi người." - Bà Nguyễn Thị Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) (Lan Ngọc ghi)

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần