Chú trọng nguồn lực trẻ
Tính đến tháng 10/2022, Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO có 295 TP thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian qua, các TP sáng tạo trong mạng lưới đã xây dựng, hình thành những trung tâm thiết kế sáng tạo, tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý; triển khai hoạt động thường niên, sự kiện theo mùa và nguồn kinh phí “nuôi” hoạt động, trong đó nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của chính quyền, Nhà nước cũng như sự tham gia của các bên liên quan để đem lại sản phẩm sáng tạo có giá trị.
TS Dwinita Larasati, Tổng Thư ký Diễn đàn TP sáng tạo Bandung, Indonesia, cho biết, là nơi tập hợp nhiều trường đại học, Bandung rất chú trọng tận dụng nguồn lực trẻ cho thúc đẩy sáng tạo.
Tại đây, nhiều sinh viên đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ cũng năng động để hóa giải khó khăn từ tài chính như mở văn phòng ảo, hoặc chọn các địa chỉ có chi phí thấp ở vùng ngoại ô.
"Chúng tôi đã tập trung khai thác các công trình của Nhà nước đang bỏ không, hoặc chưa tận dụng hết công suất cho không gian sáng tạo để không lãng phí tài nguyên. Chúng tôi quy hoạch TP bằng việc đề cao thế mạnh của từng quận, như về ẩm thực, thời trang… để thu hút đông đảo người đến tham quan, làm việc", TS Dwinita Larasati nói.
Đến từ một trong những quốc gia đáp ứng đa dạng các tiêu chí về xây dựng TP sáng tạo, ông Thierry Vergon, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, cho biết, mỗi TP sáng tạo của Pháp đáp ứng tối thiểu một tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho Mạng lưới các TP sáng tạo.
“Chúng tôi cũng xác định lấy người dân làm trung tâm, cũng như chú trọng tương tác, liên kết với các TP, các cộng đồng sáng tạo khác. Từ kinh nghiệm này cho thấy, cần kết hợp cả 3 yếu tố cùng lúc, không nên tách riêng lẻ" - ông Thierry Vergon chia sẻ.
Nêu kinh nghiệm về xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo từ Dongdaemun design plaza của Seoul (Hàn Quốc), bà Kim Haesoo Estella, Điều phối viên dự án về giải thưởng quốc tế và quan hệ công chúng tại Quỹ thiết kế Seoul, cho biết, kiến trúc công trình đóng vai trò quan trọng trong thu hút nguồn lực cũng như khơi dậy đam mê sáng tạo.
Tại Dongdaemun design plaza, công chúng và du khách được thấy lịch sử hình thành xuyên suốt của địa điểm như một minh chứng của tinh thần sáng tạo. Công trình được tổ chức thành 5 không gian chính, mã hóa bằng màu sắc khác nhau, đáp ứng từng chủ đề riêng như: trưng bày, biểu diễn, kinh doanh, giải trí…
Đây cũng là trung tâm duy nhất tại Seoul trưng bày các sản phẩm thuộc lĩnh vực thiết kế, tổ chức các chương trình tham quan để học hỏi mô hình, các lễ hội thiết kế đều đặn; đồng thời, có các nền tảng trực tuyến và trực tiếp để thúc đẩy hiệu quả quảng bá, có các hoạt động hướng tới nhóm đối tượng yếu thế.
Đột phá về cơ chế, chính sách
Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều sự tương đồng, và những kinh nghiệm về phát triển văn hóa của Hàn Quốc sẽ là những gợi ý thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện. Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990, được đặt tên là “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc”.
Với sự phổ biến rộng rãi của các lĩnh vực K-pop, K-film hay K-beauty tại thị trường Việt Nam, Hàn Quốc đang đưa ngành công nghiệp thời trang của mình lên một tầm cao mới, vươn khỏi phạm vi quốc gia, ra khu vực và thế giới.
Ngày nay, nền công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc được đánh giá ở vị trí hàng đầu khu vực châu Á với hệ thống trung tâm văn hóa rộng khắp cũng như Mạng lưới TP sáng tạo. Trong số đó, đáng chú ý là TP Busan. Thông qua ảnh hưởng ban đầu của văn hóa phương Tây, Busan đã phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp điện ảnh và là TP đầu tiên của Hàn Quốc phát hành phim điện ảnh. Với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và nguồn nhân lực chuyên nghiệp, Busan hiện là một tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp điện ảnh khu vực.
Theo ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, về chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa trong công nghệ số của Hàn Quốc với ba nội dung chính: trước hết, đó là bồi dưỡng nguồn nhân lực với khả năng sáng tạo.
Nền giáo dục công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo của con người rất lớn, vì thế Chính phủ Hàn quốc cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể của ngành công nghiệp văn hóa. Ngành công nghiệp giáo dục văn hóa là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng về mặt kỹ thuật, chuyên môn cũng như công nghệ.
Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã nhận thức sâu sắc điều đó và đầu tư không ngừng để phát triển kỹ thuật mới, công nghệ mới trong ngành công nghiệp văn hóa. Chính phủ không thể một mình hoàn thành những hỗ trợ đó mà xây dựng cơ chế hợp tác, kết hợp giữa trường học và DN để tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho những người thuộc lĩnh vực công nghệ văn hóa sáng tạo.
Ví dụ, trường học và DN cùng hợp tác với nhau để xây dựng lên một chương trình đào tạo kết hợp, kéo dai khoảng hơn một năm, sau đó DN sẽ tiến hành cung cấp cơ hội thực tập trong một năm ở chính DN, đồng thời Chính phủ hỗ trợ tiền nhân công, chi phí lương cho đối tượng được thực tập trong một năm tại DN. Thông qua hoạt động này, sẽ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, chuyên môn tốt cho các DN.
Tiếp theo là hỗ trợ trực tiếp cho các DN. “Chúng ta nhận thấy có một đặc điểm ở các DN khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu tiên, và cũng có những DN sẽ gặp thất bại. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống xác định quá trình phát triển của các DN ở từng giai đoạn và sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn để có thể phát triển liên tục” - ông Choi Seung Jin cho hay.
Cùng với đó là hỗ trợ về tài chính, đây chính là hỗ trợ quan trọng nhất. Ví dụ như ngành điện ảnh, với một bộ phim từ khâu bắt đầu, đến khâu sản xuất và đến khi ra mắt, mất khoảng thời gian khá dài.
Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã vận hành các quỹ dành cho các nội dung nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc thông qua các cơ quan trực tiếp vận hành các quỹ đó. Các cơ quan sẽ lựa chọn những bộ phim có tiềm năng và sẽ sử dụng quỹ mà Chính phủ xây dựng để đầu tư cho phim, tạo cơ hội cho bộ phim đó được thực hiện.
Chúng ta đã có các giải pháp, chính sách về văn hóa, nhưng vì sao chưa có sự đột phá, vấn đề nằm ở đâu? Theo tôi, nút thắt ở đây chính là con người. Nước ta chưa có bề dày lịch sử về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, những người tham gia vào các lĩnh vực của ngành công nghiệp này ở trong các khâu chưa tìm được sự đồng cảm. Cái thiếu đồng cảm đó vì chưa hiểu được bản chất của ngành công nghiệp văn hóa là gì khi gắn với môi trường công nghệ số. Vì thế, chưa có sự lưu thông về mặt nhận thức, chưa có nhiều kinh nghiệm được học, nên khát vọng thì có, mong muốn thì nhiều, nhưng kỹ năng, kiến thức chưa mạnh.
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương
Quan trọng nhất ở đây, Chính phủ không trực tiếp lựa chọn các phim được đầu tư đó mà Chính phủ thông qua các đơn vị, cơ quan vận hành các quỹ để lựa chọn các bộ phim phù hợp, có tiềm năng, các cơ quan đó sẽ sử dụng quỹ để đầu tư cho các đơn vị làm phim đó.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng cho các lĩnh vực văn hóa. Phim truyền hình là một mảng tốn rất nhiều chi phí, vì thế, Chính phủ sẽ vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ cho truyền hình và sẽ cho DN thuê với giá ưu đãi để tạo điều kiện cho DN.